Cuộc thi viết với chủ đề "Bảo đảm ANTT ở cơ sở" Cuộc thi viết với chủ đề "Bảo đảm ANTT ở cơ sở"

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN BẢO ĐẢM ANTT Ở CỞ SỞ (CẤP XÃ)

1. Khái quát tình hình ANTT ở cơ sở

Lực lượng giữ gìn ANTT ở cơ sở (cấp xã, thị trấn) mỏng, địa bàn rộng lớn, đặc điểm vùng nông thôn, tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Trong những năm gần đây, tình hình an ninh, trật tự, diễn biến phức tạp: tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác có xu hướng ngày càng gia tăng. Tội phạm Ma túy ngày càng trẻ hóa, hoạt động tinh vi, xảo quỵt, liều lĩnh, manh động. Có nhiều vụ án giết người do những mâu thuẫn rất đơn giản (hàng xóm cãi nhau, chú cháu cãi nhau, uống bia rượu mâu thuẫn rồi cầm dao giết người…) không có từ trước. Nên công tác phòng ngừa của lực lượng Công an cở sở gặp khó khăn, không thể chủ động phòng ngừa hết, trước đối với những tình huống phát sinh trong nội bộ nhân dân.

Đáng chú ý là các loại tội phạm lợi dụng tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc ở các vùng nông thôn, lối sống thực dụng, buông thả trong một bộ phận lớp trẻ đô thị phát triển. Mạng xã hội phát triển nhanh, len lỏi vào các tầng lớp trẻ, nhưng tin xấu, độc hại đã tác động không nhỏ đến giới trẻ. Làm ảnh hưởng đến tâm lý, hay nóng nảy, giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực (mã tấu, kiếm, xăng tự chế…).

Tình hình trên đây có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, các lực lượng chuyên trách, nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tuy đã từng bước được xây dựng, củng cố, nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

2. Xây dựng, kiện toàn lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở có nhiều lực lượng tham gia, bao gồm lực lượng chuyên trách, nòng cốt (công an cấp xã), dân quân tự vệ, các tổ chức quần chúng (bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, các tổ chức tự quản...) và sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thực tế cho thấy khi có bất cứ một sự việc lớn, nhỏ gây mất ANTT (gây cãi nhau, học sinh đánh nhau thì ông Bảo vệ cũng báo công an, hàng xóm xích mích cãi nhau, hát KaraOke ồn ào…) hầu như người dân đều gọi báo lực lượng công an xã, thị trấn. Đây là lực lượng có mặt đầu tiên đến hiện trường để giải quyết vấn đề ANTT tại cơ sở. Dù các lực lượng khác cũng có mặt nhưng phần lớn người dân vẫn ý thức rằng chỉ có công an mới có thể giải quyết được vấn đề. Các lượng khác (dân quân, BVDP…) tham gia chứng kiến hoặc dùng để áp đảo đám đông. Vì vậy cần phải tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng chủ yếu sau:

- Công an cơ sở được xác định là lực lượng nòng cốt, xung kích trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, hoạt động theo quy định của Luật Công an nhân dân và các văn bản khác có liên quan. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được giao cho công an huyện và công an cấp xã đảm nhiệm, bao gồm: công an huyện, công an phường, công an xã, thị trấn, đồn, trạm công an.

- Công an huyện: vừa chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho công an cấp xã, vừa trực tiếp tiến hành các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định. Công an phường là lực lượng tiến hành các hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở đô thị (thuộc Thành phố, thị xã). Công an xã, thị trấn là lực lượng có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở vùng nông thôn.

- Dân quân tự vệ: là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, hoạt động theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ (2023) và các văn bản khác có liên quan. Theo các quy định này, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, là một bộ phận của lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ và của ủy ban nhân dân các cấp, sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương. Dân quân được tổ chức tại các xã, phường, thị trấn; tự vệ được tổ chức trong các cơ quan, tổ chức; có nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.

- Bảo vệ dân phố là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đô thị, hoạt động theo các quy định của Nghị định số 38/2006/NĐ-CP, ngày 17-4-2006, của Chính phủ và các văn bản liên quan. Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng công an chính quy, do ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập; có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn.

- Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, hoạt động theo quy định của Nghị định số 06/2013/NĐ-CP, ngày 09-01-2013, của Chính phủ; Bộ công an vừa ban hành Thông tư 67/2022/TT-BCA sửa đổi bổ sung một số điều thông tư 46/2014/TT-BCA ngày 16/10/2014 của Bộ trưởng Bộ công an và các văn bản có liên quan. Lực lượng này được thành lập tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức, đơn vị kinh tế thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; có nhiệm vụ phối hợp với công an cấp cơ sở nắm vững tình hình an ninh, trật tự, đề xuất với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp xây dựng nội quy bảo vệ, kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong cơ quan, doanh nghiệp; làm nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp...

- Các tổ chức quần chúng, tổ chức tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở rất phong phú về hình thức và hoạt động chủ yếu ở ấp hoặc khu phố, chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan công an cấp xã (dân phòng, thanh niên xung kích an ninh, tổ tự quản...). Các tầng lớp nhân dân là lực lượng đông đảo nhất, có vai trò quan trọng khi được huy động và tự nguyện tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; giữ gìn an ninh, trật tự cơ sở.

3. Các giải pháp bảo đảm an ninh ở cơ sở

Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phải đặt trong chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và trong toàn quốc; sử dụng tổng hợp các lực lượng, biện pháp. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và đấu tranh. Để bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là tại những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức tự quản tại địa phương trong bảo vệ an ninh, trật tự.

Hai là, phát hiện, xử lý kịp thời các "điểm nóng" từ cơ sở, không để phát triển thành vụ việc lớn, phức tạp. Kiên quyết xử lý mạnh các đối tượng vi phạm pháp luật, xử lý công khai, nghiêm minh để răn đe những đối tượng khác có ý định phạm tội.

Ba là, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở vững mạnh. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức. Xây dựng thực hiện các mô hình liên kết bảo vệ an ninh, trật tự thích hợp với từng địa bàn, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao cảnh giác xây dựng lối sống lành mạnh ở cơ sở.

Bốn là, tăng cường lực lượng chiến đấu cho cơ sở, bố trí cán bộ trực tiếp thực hiện vận động quần chúng và tiến hành các hoạt động nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Đối với lực lượng công an cơ sở, trước mắt, trong điều kiện biên chế còn thiếu, cần củng cố, xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát khu vực địa bàn nông thôn để quán xuyến chặt chẽ địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa bàn dân cư. Về lâu dài, cần có kế hoạch ưu tiên tăng cường, bổ sung đủ biên chế cho lực lượng công an ở cơ sở và bố trí phù hợp với từng loại địa bàn; bảo đảm tính ổn định lâu dài, khi thật cần thiết mới luân chuyển sang địa bàn khác. Chuyên môn hóa lực lượng công an cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự.

Năm là, tăng cường các điều kiện làm việc, trang bị phương tiện phù hợp với thực tế chiến đấu ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công an và các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Các đơn vị chủ quản cấp trên và chính quyền cơ sở cần quan tâm chế độ chính sách cho các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Nghiên cứu giải quyết chế độ tiền lương hợp lý, các chế độ phụ cấp trực, làm ngoài giờ để lực lượng giữ gìn ANTT ở cở sở an tâm công tác./.

Chu Đức Thiện

 


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 14502935
Số người đang truy cập: 43
Hôm nay: 17984
Hôm qua: 31689
Tuần này: 124647
Tuần trước: 289631
Tháng này: 296497
Tháng trước: 1004669

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác