Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với vị trí chiến lược là vành đai yết hầu, án ngữ đường giao thông huyết mạch từ biển Đông vào Sài Gòn. Trong những năm chiếm đóng đã được Mỹ - Ngụy tập trung xây dựng nhiều căn cứ quân sự, hải cảng, trung tâm huấn luyện; lập vành đai dân cư tại các vùng trọng điểm chiến lược,... trở thành căn cứ quân sự, hậu cứ của cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Để phục vụ âm mưu xâm lược và thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ - Ngụy đồng thời triển khai bộ máy chính quyền, hệ thống đồn bốt; tổ chức mạng lưới cảnh sát, mật vụ; xây dựng các đảng phái, đoàn thể phản động trên khắp địa bàn tỉnh.
Năm 1955, sau khi hoàn thành chuyển quân tập kết, thực hiện chủ trương chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của ngành công an về việc bố trí sắp xếp lại địa bàn; kịp thời chuyển hướng hoạt động đấu tranh phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng, CBCS An ninh Bà Rịa - Vũng Tàu bao gồm lực lượng trinh sát và một số cán bộ, chỉ huy chưa bị lộ, có điều kiện hoạt động công khai hợp pháp được bố trí ở lại, tổng số chưa đến 20 đồng chí đã trở về vùng địch kiểm soát sinh sống, hoạt động hợp pháp; tham gia chi bộ Đảng (bí mật) do cấp ủy địa phương trực tiếp chỉ đạo; tham gia bảo vệ các cấp ủy đảng (cuối 1945) và ban địch tình các cấp ủy đảng (đầu 1955).
Với thắng lợi của cuộc đồng khởi, thế và lực của các mạng miền Nam đã phát triển lên một bước mới. Ngày 01/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tại địa phương, cấp ủy Đảng thực hiện Chỉ thị số 01-CT ngày 5/6/1960 của Xứ ủy Nam bộ về việc thành lập Ban bảo vệ an ninh các cấp (gọi tắt là Ban an ninh). Cuối năm 1961, Ban an ninh Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập, lúc đầu một bộ phận thuộc văn phòng Tỉnh ủy, do Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, đồng chí Bùi Đình Kiểm phụ trách; căn cứ tại Gia cốp, thuộc khu căn cứ Hắc Dịch (nay là huyện Châu Đức). Ban an ninh lúc mới thành lập có 15 CBSC, đến tháng 8/1962 được Bộ Nội vụ tăng cường 2 cán bộ nghiệp vụ là đồng chí Sáu Phượng và đồng chí Tám Thân; vũ khí gồm một khẩu súng Mút (Mauser) của Pháp, 6 viên đạn cùng một số dao găm, mã tấu tự tạo, về sau được Ban quân giới Tỉnh đội bổ sung thêm 3 khẩu súng lửa tự tạo.
Ảnh: Lực lượng An ninh Bà Rịa - Long Khánh đánh chiếm Ty Cảnh sát ngụy
Tháng 3/1963, căn cứ vào tình hình thực tiễn, chính quyền cách mạng miền Nam quyết định thành lập tỉnh ghép Bà -Biên (Bà Rịa - Biên Hòa). An ninh tỉnh Bà Biên do đồng chí Nguyễn Nhị Thành (Tám Hà), phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban an ninh; đồng chí Nguyễn Hải là phó ban; đồng chí Nguyễn Văn Xiểu và đồng chí Bùi Đình Kiểm là ủy viên ban. Các huyện của tỉnh Bà Rịa (cũ) thuộc khu vực do đồng chí Tám Hà và đồng chí Bùi Đình Kiếm phụ trách, căn cứ đóng tại Suối Môn, Gia Cốp, thuộc khu vực Hắc Dịch (nay thuộc xã Kim Long, Cù Bị, huyện Châu Đức). Lực lượng an ninh tiếp tục được Bộ tăng cường nhiều cán bộ nghiệp vụ, hình thành các ban: Bảo vệ chính trị, Văn phòng, Bảo vệ nội bộ, Bảo vệ trại giam, Chấp pháp và lực lượng an ninh vũ trang. Hầu hết cán bộ chủ chốt làm công tác an ninh ở các huyện, thị xã trong toàn tỉnh đã được tập huấn nghiệp vụ. Để phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài, bộ phận hậu cần của An ninh tỉnh đã mở trại sản xuất lương thực, thực phẩm, vũ khí, từ đó đã tự túc được một phần lương thực, thực phẩm.... Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác an ninh còn được triển khai đến cán bộ chủ chốt của các ngành, các đoàn thể trong tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết ngày 31/1/1961 của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy nhằm đưa đấu tranh lực lượng vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, lực lượng an ninh đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị vũ trang mở nhiều cuộc tấn công quân sự vào đồn bốt các đơn vị địch để làm hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, đẩy mạnh phong trào diệt ác phá kìm trong toàn tỉnh. Ở huyện Long Đất Ban an ninh huyện đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang tấn công một số đồn bốt; đẩy lùi tổng đội dân vệ bảo vệ an toàn mít tinh ra mắt của Ủy ban mặt trận giải phóng huyện có khoảng 2.000 người tham gia (2/1961); riêng đồng chí Hai Ngọc, Trưởng ban an ninh xã Phước Thọ đã dẫn đường cho lực lượng vũ trang huyện mai phục diệt 1 tiểu đội của ngụy tại ấp Phước Thới, cách chi khu Đất Đỏ 200m. Ở Vũng Tàu, các chiến sỹ an ninh đã tổ chức diệt tên Mừng, tình báo khét tiếng ác ôn, tên Tôi, đại úy an ninh quân đội, tên Hương trưởng ấp, bắn trọng thương tên Lương Văn Hào, Trường ban đại diện xã Thắng Nhì.
Thực hiện Chỉ thị số 69/CT 30/9/1963 của Thường vụ Trung ương Cục về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống do thám, gián điệp, lực lượng an ninh đã tập trung phát động phong trào bảo mật phòng gian ở khắp cả 3 vùng mà trọng tâm là các hành lang chiến lược, các cửa khẩu, ven lộ giao thông quan trọng và tiến hành xây dụng mạng lưới ANND trong các ấp. Tháng 3/1963, ở huyện Long Đất, Ban an ninh tỉnh đã điều tra làm rõ vụ tên Tư và tên Phong làm gián điệp chỉ điểm đánh phá căn cứ của Huyện ủy Long Đất. Tháng 7/1963, cũng ở Long Đất, Ban an ninh tỉnh điều tra làm rõ vụ Dương Hòa Bình làm nội gián chỉ điểm đánh phá căn cứ của Thị xã Bà Rịa, Ban an ninh tỉnh và an ninh các huyện Long Đất, Xuyên Mộc đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa do thám gián điệp, đảm bảo bí mật, tham gia bảo vệ an toàn chuyến tàu chở 20 tấn vũ khí của Trung ương từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Đông cập bến Lộc An thuộc địa bàn huyện Long Đất đêm 3/10/1963. Lực lượng an ninh tỉnh, An ninh huyện Châu Đức và An ninh các huyện đã làm tốt công tác phòng gian bảo mật, làm trong sach địa bàn, báo vệ cửa khẩu hành lang vận chuyển, kho tàng, bến bãi; phối hợp với binh vận tỉnh móc nối Thiếu tá ngụy Nguyễn Văn Phước, chỉ huy tiểu đoàn cơ động, bảo vệ giao thông trên tuyến từ Phú Mỹ đến Xuyên Mộc không đưa quân tiếp ứng, góp phần phục vụ chiến dịch Bình Giã thắng lợi (12/1964-1/1965).
Thực hiện chủ trương đánh bại quốc sách ấp chiến lược của địch bằng 2 lực lượng chính trị, quân sự, kết hợp 3 mũi áp công, lực lượng an ninh đã đi sâu xây dựng cơ sở bên trong ấp chiến lược, kết hợp giữa lực lượng bên ngoài và bên trong ấp vận động quần chúng đấu tranh chống địch gom dân, khoanh dân, phá đi phá lại nhiều lần hệ thống ấp chiến lược của chúng trên phạm vi toàn tỉnh. Đến cuối năm 1964, hầu hết các ấp chiến lược đã bị phá, 2/3 đất đai và dân số được giải phóng, giải phóng cơ bản các xã ven trục lộ giao thông quan trọng và làm tan rã hoặc tê liệt hệ thống kìm kẹp của địch ở các xã, ấp, buộc chúng co cụm vào các thị xã, thị trấn.
Từ năm 1965 đến 1968, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ" đưa quân viễn chính Mỹ và chư hầu ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, địch đầu tư mở rộng các bến cảng, sân bay, căn cứ, kho tàng, các trung tâm huấn luyện, ra sức phát triển các tổ chức tình báo và cảnh sát ngụy đến tận cơ sở, đóng thêm nhiều đồn bốt ở vùng nông thôn, vùng cao su, dọc theo các trục lộ giao thông, tăng cường gom dân, lập ấp Tân sinh, tổ chức càn quét đánh phá vào vùng giải phóng, vùng căn cứ của ta; cho biệt kích Mỹ, Úc luồn sâu vào vùng căn cứ của ta nắm tình hình, phát hiện được mục tiêu để tiến hành không kích hoặc phục kích, giết, bắt cóc cán bộ. Giữa năm 1967, công binh Úc thiết lập một tuyến hàng rào mìn từ chân núi Da Quy đến Phước Hải dài 14km.
Trước tình hình địch phản kích quyết liệt, để bảo toàn lực lượng, căn cứ của Ban an ninh tỉnh được dời từ phía Tây lộ 2 về phía Đông lộ 2, tại khu vực suối Tà Lon thuộc quần thể khu căn cứ Rừng Lá, Xuân Sơn (nay thuộc huyện Châu Đức); lực lượng an ninh đồng thời được tăng cường đến các huyện, xã trọng điểm phát động quần chúng tham gia bảo mật, lùng bắt bọn gián điệp, ác ôn, tình báo, chỉ điểm làm trong sạch địa bàn. Tháng 7/1965, Ban an ninh tỉnh bắt Trần Quang Huy, thiếu úy thám sát đặc biệt, tay sai của phái bộ cố vấn Hoa Kỳ, qua đó phát hiện 6 cơ sở địch chuyên xâm nhập vùng giải phóng thu thập tin tức phục vụ cho các cuộc hành quân, càn quét, các cuộc oanh kích để đối phó với các cuộc tấn công của ta.
Tổ chức lực lượng an ninh cũng được củng cố. Ban An ninh thị xã Bà Rịa thành lập thêm tổ trinh sát vũ trang do đồng chỉ Thành phụ trách, mở đường vào ấp chiến lược vận động nhân dân tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cách mạng. Sau khi tổ công binh quyết tử của huyện tìm cách gỡ mìn, lực lượng an ninh các cấp đã tham gia cắt hàng rào, gỡ mìn đánh lại địch rất hiệu quả. Đi đôi với công tác phát động quần chúng nhân dân phá hàng rào, gỡ mìn, lực lượng an ninh tổ chức các đội công tác bám trụ, diệt ác ôn để phá thế kìm kẹp của địch.
Tháng 6/1966, tỉnh Long - Bà - Biên được thành lập. Ban an ninh tỉnh do đồng chí Trần Văn Nhượng (Tư Quy) làm trưởng ban, căn cứ đóng tại khu vực suối Tà Lon, đồi Chân Nai thuộc quần thể căn cứ Rừng Lá, Xuân Sơn, huyện Châu Đức. Tháng 10/1967, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được thành lập. Ban an ninh tỉnh do đồng chí Trần Văn Nhượng làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Văn Phác và Nguyễn Hoàng Vân làm phó ban; các đồng chí Lê Nam Thắng (Năm Thắng), Bùi Đình Kiểm, Trần Văn Minh (Tư Tiến, Tư Mét) và đồng chí Ba Tấn giữ chức vụ ủy viên ban; căn cứ đóng tại khu vực sau lô 18 thuộc quần thể căn cứ Rừng Lá.
Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, An ninh khu Đông Nam Bộ đã tăng cường cho Ban an ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh 12 CBCS an ninh vũ trang để phối hợp với địa phương hình thành các mũi nhọn chủ công trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn tỉnh. Trong đợt 1 tấn công vào trung tâm thị xã Bà Rịa (tỉnh lỵ Phước Tuy của địch), lực lượng an ninh khu vực 1 đã tấn công Ty cảnh sát quốc gia, Ty chiêu hồi tỉnh Phước Tuy (là trụ sở trá hình của CIA đóng tại xã Hội Mỹ)... Trong khi dẫn đầu cảnh quân tấn công bốt và trụ sở tề Long Hương, bị máy bay địch phát hiện, ném bom vào giữa đội hình, đồng chí Trần Văn Nhượng và một số đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Đồng thời với các mũi tiến công vào thị xã Bà Rịa, ở huyện Châu Đức, Long Đất, lực lượng an ninh cũng phối hợp cùng lực lượng quân sự bao vây, tấn công các chi khu quân sự, Chi khu cảnh sát quốc gia và một số mục tiêu quan trọng, tổ chức diệt nhiều tên ác ôn, do thám, chỉ điểm. Lực lượng du kích và nhân dân các xã nổi dậy phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ, góp phần làm phá sản "chiến tranh cục bộ" của Mỹ - Ngụy.
Tháng 5/1971, phân khu Bà Rịa - Long Khánh được thành lập, trong đó bao gồm các huyện, thị của tỉnh Bà Rịa và thị xã Vũng Tàu. Ngay sau khi ổn định tổ chức, Ban an ninh đã tập trung đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho an ninh các cấp, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo mật phòng gian, bảo vệ cơ quan, bảo vệ Đảng, tổ chức diệt ác phá kìm, tập trung đánh đối tượng... Từ đó hạn chế được nhiều thiệt hại cho hệ thống cửa khẩu và một số cơ sở của ta trên địa bàn huyện Long Đất. Nghi ngờ có nội gián, Ban an ninh phân khu đã tiến hành rà soát, phát hiện đối tượng là cơ sở cài trong của Ban an ninh huyện Long Đất, đã bắt và xử lý.
Ngày 23/5/1972, phân khu Bà Rịa -Long Khánh giải thể, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được tái lập. Đồng chí Bùi Đình Kiểm được chỉ định giữ chức quyền trưởng ban, căn cứ đóng tại Vàm Sông Ray, Suối Thề, khu vực Cu Nhí Hạ (nay thuộc huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Ban an ninh tỉnh tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy, tăng cường phát triển lực lượng, phối hợp tiến hành các đợt cao điểm đánh mạnh vào bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở và tấn công vào các mục tiêu quan trọng của địch ở thị xã, thị trấn. Cuối năm 1972, thực hiện chủ trương của Trung ương cục miền Nam mở cao điểm "chồm lên chiếm lĩnh trận địa”, tấn công địch trên các chiến trường, lực lượng an ninh tỉnh đã phối hợp cùng lực lượng quân sự đồng loạt tiến công đồn bốt, các mục tiêu quan trọng trong toàn tỉnh, tiêu hao được nhiều sinh lực địch, giải phóng được nhiều xã, ấp.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, song đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố, chưa chịu từ bỏ âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, chúng đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch hậu chiến tình báo, nhằm tiếp tục chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam; ra sức lấn đất, giành dân với cách mạng. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, địch huy động lực lượng chủ lực và quân địa phương tiến hành càn quét, lấn chiếm vùng tranh chấp, vùng giải phóng, thực hiện các kế hoạch di dân, phát hoang, ủi phá địa hình, lập khu ấp, nông trường, cắm thêm đồn bốt để kìm kẹp quần chúng. Tại các thị xã, thị trấn, các khu ấp chiến lược, địch sử dụng lực lượng tình báo, cảnh sát đi sâu kiểm soát gắt gao nhân dân, các tổ chức chính trị đối lập, bố trí cài cắm số sĩ quan tình báo, an ninh quân đội sang nắm giữ một số chức vụ chủ chốt và hoạt động trong ngành văn hóa, giáo dục để phục vụ cho kế hoạch hậu chiến.
Tháng 4/1974, Hội nghị an ninh toàn miền Nam đề ra nhiệm vụ của lực lượng an ninh cách mạng trong giai đoạn mới. Ngày 14/2/1974, Ban an ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đề ra nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên địa bàn tỉnh. Trước diễn biến thực tế tình hình chiến trường, thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị tháng 1/1975 và chủ trương của Miền, của Tỉnh ủy, đầu năm 1975, lực lượng an ninh Bà Rịa - Long Khánh đã chuẩn bị mọi mặt tham gia kế hoạch tấn công mùa khô. Ngày 8/4/1975, Trung ương cục miền Nam quyết định chia tỉnh Đảng bộ Bà Rịa - Long Khánh thành tỉnh Đảng bộ Bà Rịa - Long Khánh và thành ủy Vũng Tàu trực thuộc Khu ủy miền Đông. Ngày 9/4/1975, tại căn cứ Châu Pha (nay thuộc huyện Tân Thành), thành ủy Vũng Tàu hạ quyết tâm giải phóng Vũng Tàu bằng lực lượng địa phương là chính.
Trước diễn biến sôi động của chiến trường, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Bà Rịa, Thị ủy Bà Rịa đã họp bàn kế hoạch tác chiến và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng. Riêng lực lượng an ninh thị xã Bà Rịa gồm 8 đồng chí đã cùng đội biệt động thị xã và lực lượng du kích các xã làm nhiệm vụ nắm tình hình, dẫn đường cho các cánh quân của bộ đội chủ lực và địa phương tiến công giải phóng địa bàn, hỗ trợ cho lực lượng chính trị quần chúng nổi dậy khởi nghĩa.
Trước sức tiến công như vũ bão của lực lượng cách mạng, kẻ địch đã lần lượt mất các địa bàn chiến lược như Tây Nguyên, Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng, quân địch co cụm về Xuân Lộc, kết hợp với số quân còn lại của Sài Gòn ra lập vành đai “tử thử hòng bảo vệ Sài Gòn”. Ngày 21/4/1975, lực lượng an ninh Bà Rịa đã tham gia chiến đấu, phối hợp phục vụ bộ đội chủ lực tấn công, đập tan "cánh của thép" Xuân Lộc, cửa ngõ phía Đông Bắc vào Sài Gòn đã được mở.
Từ 17 giờ ngày 26/4/1975 đến 15 giờ ngày 27/4/1975, thị xã Bà Rịa hoàn toàn giải phóng. Lực lượng vũ trang giải phóng đã tấn công, chiếm lĩnh các mục tiêu: khu tiếp liệu, khu an ninh, Ty cảnh sát quốc gia. Sở chỉ huy liên đoàn bảo an, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp.
Tại các xã, các khu ấp, Ủy ban khởi nghĩa đã hướng dẫn quần chúng đồng loạt xuống đường, giành quyền làm chủ hoàn toàn. Từ chiều ngày 26/4 đến chiều ngày 27, các huyện Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc đã hoàn toàn giải phóng.
Trước khi giải phóng TP. Vũng Tàu, Ban an ninh TP. Vũng Tàu được thành lập. Lực lượng địa phương tham gia giải phóng Vũng Tàu gồm: đại đội biệt động số 31, đại đội đặc công thủy số 32, tiểu đoàn bộ binh 445 cùng lực lượng an ninh và du kích. Lực lượng chủ lực tham gia giải phóng Vũng Tàu gồm: Sư đoàn 3 quân khu V (Sư đoàn Sao vàng), Z24 quân báo Miền. Ngoài cán bộ của Ban an ninh thị xã Vũng Tàu (cũ), Ban an ninh Khu Đông Nam Bộ chi viện 19 CBCS, các cơ quan tỉnh bổ sung 3 đồng chỉ, tân binh rút trước đợt 30 người và 20 thiếu sinh quân.
Với phương châm “an ninh đi trước một bước", từ 22/4, Ban an ninh TP Vũng Tàu đã lần lượt đưa 5 đồng chí vào nội thành bám trụ ở các phương vận động quần chúng nổi dậy và chuẩn bị tiếp quản các phường. Cán bộ an ninh đã bố trí lực lượng bám sát cơ sở trọng yếu trên địa bàn, ngăn không cho địch phá hoại, kết hợp vận động phó Ty Nội an và Trưởng phân chi khu quân sự Tháng Nhì cung cấp vũ khí, tin tức quan trọng, vận động một số công chức ở Tòa thị chính Vũng Tàu không di tản ở lại bảo quản kho quỹ, hồ sơ giấy tờ, trụ sở để bàn giao cho cách mạng và thông qua cơ sở lãnh đạo công nhân ở nhà máy điện, nhà máy nước duy trì hoạt động phục vụ thành phố sau giải phóng.
Từ 28/4, lực lượng an ninh đã có mặt chốt ở những địa điểm trọng yếu trên địa bàn. Bộ đội đến đâu, lực lượng an ninh phối hợp vận động quần chúng nổi lên giành chính quyền tới đó. Lực lượng an ninh đã tổ chức diệt một số đối tượng là Việt gian nguy hiểm cố tình chống đối cách mạng, bắt sống và khống chế, giáo dục rồi thả nhiều tên tề điệp khác.
Từ ngày 29 đến trưa ngày 30/4, các lực lượng vũ trang giải phóng đã hoàn thành việc tấn công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng trên địa bàn. Đến 13 giờ 30 ngày 30/4, trận chiến đấu ác liệt giữa lực lượng vũ trang giải phóng với hơn 100 sỹ quan ngụy tử thủ tại khách sạn Palace kết thúc, cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Vũng Tàu đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Cùng quân dân toàn tỉnh, lực lượng an ninh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phần xứng đáng vào thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.