THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Kế hoạch Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kế hoạch được ban hành nhằm hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu đưa toàn tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Cụ thể, kiểm soát số ca mắc mới tại cộng đồng dưới 50 người/100 ngàn dân/tuần; tỷ lệ tử vong dưới 2% trên tổng số mắc mới; đến ngày 31/12/2021, tối thiểu 90% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vắc xin; tối thiểu 95% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều; đồng thời tiêm vắc xin sớm nhất, nhanh nhất cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp và theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.

Theo Kế hoạch, cấp độ dịch được phân thành 4 loại, gồm: Cấp 1 - Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; Cấp 2- Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; Cấp 3- Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Việc đánh giá cấp độ dịch dựa vào 3 tiêu chí, đó là, (1) tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; (2) độ bao phủ vắc xin; (3) bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Trong trường hợp không đạt được tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch; không đạt yêu cầu ở tiêu chí 2 thì phải tăng lên 1 cấp độ dịch. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế, xã hội, ...), khả năng ứng phó, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, bảo đảm quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Đối với các biện pháp chuyên môn về y tế, Kế hoạch yêu cầu chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch COVID-19 như: xây dựng Kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị; khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19.

Riêng công tác chăm sóc người mắc COVID-19 cần xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh, đặc biệt là bảo đảm đáp ứng về giường ICU (hồi sức cấp cứu). Cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0; bảo đảm khi có dịch xảy ra, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp oxy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp oxy y tế; tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà. Đồng thời tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19; bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về công tác xét nghiệm, các trường hợp được yêu cầu xét nghiệm có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở….Các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở sẽ tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, bằng các hình thức xét nghiệm khi có một trong các biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ; khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Không thực hiện chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, trừ các trường hợp nghi ngờ. Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch thì tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch để UBND cấp huyện quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp. Các khu vực cách ly y tế vùng (phong tỏa) thực hiện xét nghiệm ngày 1, 7, 14.

Đối với công tác truy vết, UBND tỉnh yêu cầu BCĐ phòng chống dịch cấp xã chủ động thực hiện truy vết các ổ dịch nhỏ, lẻ tẻ tại cộng đồng. BCĐ phòng chống dịch cấp huyện tăng cường cho tuyến xã truy vết các ổ dịch lớn, số F0 nhiều. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường, phối hợp truy vết các ổ dịch đánh giá có phạm vi rộng, quy mô lớn, có thể diễn biến phức tạp. Cách truy vết được thực hiện theo hộ gia đình; những người tiếp xúc rất gần, nguy cơ lây nhiễm cao; phong tỏa phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể. Riêng các ổ dịch trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phân công nhiệm vụ, phối hợp các tuyến tương tự trong cộng đồng, có sự tham gia của Tổ y tế, Trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cách truy vết theo từng dây chuyền sản xuất, phân xưởng sản xuất liên quan, tránh xáo trộn F1, F2.

Người dân được khuyến cáo cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt, động viên người thân, gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và sống an toàn phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tụ tập đông người), đặc biệt là khi tham gia các hoạt động tập trung đông người; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin (như: ứng dụng PC-Covid, ứng dụng VNEID, ứng dụng sổ sức khỏe điện tử...) để khai báo y tế; quét mã QR khi đến các điểm có dán mã, đăng ký tiêm chủng vắc-xin, khám, chữa bệnh (nếu có điện thoại thông minh); tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19: theo hướng dẫn của ngành Y tế và quyết định của ủy ban nhân dân cấp xã, phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị tại địa phương và điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, nguyện vọng của người nhiễm COVID- 19.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng có những quy định áp dụng cho người dân trong và ngoài tỉnh khi di chuyển. Theo đó, người dân từ địa bàn cấp độ 1, cấp độ 2 được đi lại không hạn chế. Người dân từ địa bàn cấp độ 3 đến các địa bàn khác có những quy định riêng, cụ thể: người đã tiêm vắc xin (ít nhất 1 liều, có chứng nhận tiêm chủng) đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng) được phép đi lại, không yêu cầu kết quả xét nghiệm; người chưa tiêm vắc xin được đi đến các địa phương khác nhưng phải có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính hoặc xét nghiệm RT-PCR âm tính còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; khi đến nơi phải tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.

Đối với người dân từ địa bàn cấp độ 4 đến các địa bàn khác quy định, người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được đi đến các địa phương khác nhưng phải có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính hoặc xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; khi đến nơi phải tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày. Trường hợp lưu trú nơi đến ít hơn 7 ngày thì kết thúc thời gian tự theo dõi sức khỏe theo thời gian thực tế lưu trú; người đã tiêm 1 liều vắc xin hoặc chưa tiêm vắc xin thì không được di chuyển khỏi nơi cư trú, trừ trường hợp cấp thiết (như: cấp cứu, đi khám, chữa bệnh theo giấy chuyển viện của bệnh viện, đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, một số trường hợp cấp bách khác…) phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã và phải có sự giám sát chặt chẽ.

Nguồn: Kế hoạch 202/KH-UBND

 


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 14728569
Số người đang truy cập: 16
Hôm nay: 3302
Hôm qua: 21758
Tuần này: 0
Tuần trước: 128582
Tháng này: 535848
Tháng trước: 1004669

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác