Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

TUYÊN TRUYỀN, HƯỚNG DẪN AN TOÀN PCCC TẠI CÁC ĐÌNH, CHÙA TRONG MÙA LỄ HỘI

       I. Tình hình và nguyên nhân cháy nổ tại các đình, chùa trong những năm gần đây:

       - Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hàng loạt lễ hội lớn nhỏ diễn ra từ Bắc vào Nam. Đó là phong tục truyền thống của người dân cả nước nói chung, cũng như người dân Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng. Trong các lễ hội thì việc thắp hương, đốt vàng mã lại là thứ không thể thiếu, do đó tại mỗi đình, chùa, cơ sở thờ cúng có nguy cơ xảy ra cháy nổ từ việc thắp nhang, đốt vàng mã lại càng cao nếu công tác đảm bảo an toàn PCCC không được chú trọng.

       - Một số vụ cháy đình, chùa đã xảy ra và gây thiệt hại lớn:

       + Vụ cháy xảy ra tại chùa cổ Cự Đà, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào tối 10/01/2020 làm hạng mục Tam bảo gồm: Tiền đường, thượng điện của chùa bị cháy. Vụ cháy khiến phần mái bị sập, than hóa các cấu kiện gỗ, vì kèo và hệ thống đồ thờ trong di tích. Đây là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lê, có tuổi đời tới 300 năm, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1996.

Cháy làm sập mái Tam bảo chùa Cự Đà, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: tienphong.vn

       + Vụ cháy chùa Linh Quang, huyện Quốc Oai vào rạng sáng 24/6/2020, khiến ngôi Tam bảo bị thiêu rụi hoàn toàn, hệ thống đồ thờ bị than hóa. Đáng tiếc, Tam bảo của chùa mới được trùng tu hoàn toàn bằng gỗ lim, hoàn thành được 6 năm nay. Cũng vào đêm 24/6, đền Lâm Du, quận Long Biên bị cháy khiến gần như toàn bộ hiện vật trong đền bị cháy, hạng mục kiến trúc chính của ngôi đền bị than hóa. Trong khi đó, đền Lâm Du là nơi giữ như nhiều hiện vật quý như: Các bức hoành phi, câu đối, ly môn, hệ thống tượng… Trước đó, năm 2018 là vụ cháy tại đình Thọ Tháp, quận Cầu Giấy; năm 2016 là chùa Tĩnh Lâu, quận Tây Hồ…

Ngôi Tam bảo của chùa Linh Quang biến thành than sau đêm hoả hoạn. Ảnh: baovanhoa.vn

       Nguyên nhân của các vụ cháy:

       - Lâu nay các khu di tích, khu đình, chùa, công tác PCCC bị bỏ quên, nên có một thực trạng là thành viên trong các ban quản lý di tích, sư trụ trì và các đệ tử, những người làm công tác trông coi không được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH, thậm chí không biết cách sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu.

       - Ngoài ra, phương tiện chữa cháy trang bị tại các cơ sở thờ tự trên vừa thiếu lại vừa thô sơ, không đúng chủng loại, không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên, có nơi chỉ được trang bị xô, chậu, thang tre, không thể đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

       - Sự thiếu giám sát, thiếu quản lý trong việc sử dụng ngon lửa trần khi thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã…

       II. Các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC tại các đình, chùa:

       1. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức về PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát loa phóng thanh tuyên truyền cho người dân viếng lễ cũng có ý thức chấp hành các quy định về PCCC;

       2. Việc sử dụng hệ thống điện phải đảm bảo an toàn, có thiết bị bảo vệ điện như rơle, công tắc, cầu chì, attomat,...Không bố trí các thiết bị điện, dây dẫn điện cạnh khu vực thắp hương, nơi đốt vàng mã. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện để đảm bảo không có sự cố về điện xảy ra;

       3. Bố trí người trông coi nơi thắp nhang, nơi đốt vàng mã để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Nhang, nến, vàng mã phải có kho bảo quản để đảm bảo an toàn PCCC;

       4. Không để vật tư, hàng hoá tại các hành lang, cầu thang, lối đi để không gây cản trở việc thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra;

       5. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh nhiệt,…Tăng cường công tác tuần tra, canh gác, thường trực trong thời điểm khách đến viếng và sau thời điểm kết thúc viếng để kịp thời xử lý;

       6. Trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ và phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện này đảm bảo luôn hoạt động tốt. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, cách thoát nạn và các kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC được trang bị cho các tăng ni, phật tử, người làm công tác trông coi đình, chùa để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra;

       7. Khi cháy xảy ra, phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp chữa cháy theo Tiêu lệnh chữa cháy.

       + Báo động.

       + Cắt điện.

       + Chữa cháy bằng lực lượng và phương tiện ban đầu (tại chỗ).

       + Gọi số 114 (Đội chữa cháy chuyên nghiệp).

       + Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới hiện trường, phải thông báo tình hình tại đó để cho lực lượng chữa cháy có thể triển khai các biện pháp chữa cháy hiệu quả nhất./.

                                                                                                                                            Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13793793
Số người đang truy cập: 37
Hôm nay: 28021
Hôm qua: 50709
Tuần này: 162304
Tuần trước: 228615
Tháng này: 593445
Tháng trước: 565030

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác