Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

TUYÊN TRUYỀN HƯỚNG DẪN AN TOÀN PCCC TRONG VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN LỬA, NGUỒN NHIỆT CHO CÁC HỘ DÂN BUÔN BÁN, KINH DOANH TRONG CHỢ

TUYÊN TRUYỀN HƯỚNG DẪN AN TOÀN PCCC TRONG VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN LỬA, NGUỒN NHIỆT CHO CÁC HỘ DÂN BUÔN BÁN, KINH DOANH TRONG CHỢ

       I. Tình hình cháy, nổ tại các chợ, trung tâm thương mại hiện nay:

       Trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra các vụ cháy chợ gây thiệt hại rất nghiêm trọng về tài sản và con người. Riêng trên địa bàn Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tuy chưa xảy ra vụ cháy chợ, trung tâm thương mại lớn nào nhưng theo các cơ quan chức năng, nguy cơ cháy, nổ từ các chợ, TTTM vẫn còn cao, cần phải có các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

    Một số vụ cháy chợ, TTTM thương tâm đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản:

    - Điển hình về cháy chợ thì phải nói tới vụ cháy chợ Đồng Xuân đêm ngày 14/7/1994, vụ cháy kéo dài hơn 2 ngày đêm mới được dập tắt mặc dù lực lượng cảnh sát PCCC đã huy động mọi lực lượng, phương tiện của mình để chữa cháy, vụ cháy làm 2 người chết thiệt hại 144 tỉ đồng và ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội, nguyên nhân vụ cháy được điều tra là do sự sơ xuất bất cẩn của chủ cửa hàng trong sử dụng điện. Vụ cháy chợ Quảng Ngãi tháng 2/2012, lửa bốc cháy tại tầng 1 của chợ, theo thống kê có 424 hộ kinh doanh với 628 lô, sạp các mặt hàng quần áo, tạp hóa, giày dép, bánh kẹo, mỹ phẩm bị cháy...ước tính thiệt hại trên 200 tỉ đồng và nguyên nhân cháy chợ được xác định do chập đường dây dẫn điện làm cháy vỏ cách điện rồi lan ra xung quanh.

    - Chúng ta cũng chưa thể nào quên được vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế Sài Gòn (ITC) vào ngày 29/10/2002;vụ cháy làm 60 người thiệt mạng, 90 người bị thương thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy là do sự bất cẩn của 2 công nhân vi phạm qui định an toàn PCCC trong hàn cất kim loại.

        - Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chúng ta vào Tháng 10/2019 đã xảy ra cháy 2 ki-ốt tại chợ Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ. Lực lượng chữa cháy cơ sở và lực lượng chức năng đã xử lý kịp thời nên vụ cháy không gây thương vong về người.

Hiện trường vụ cháy chợ Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

       II. Thực trạng về việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt cho các hộ dân buôn bán, kinh doanh trong chợ:

    - Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua kiểm tra công tác PCCC của các chợ, TTTM trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2019 đến nay cho thấy, công tác PCCC của nhiều chợ, TTTM vẫn chưa đảm bảo, còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục. Các lỗi vi phạm thường gặp là: tự ý câu mắc dây dẫn điện, sử dụng thêm thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu; thờ cúng, đốt vàng mã; nấu ăn trong ki-ốt; hàng hóa, vật tư dễ cháy sắp xếp gần các thiết bị điện. Ngoài ra, các tiểu thương khi sắp xếp, bố trí hàng hóa còn lấn chiếm lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC dẫn đến tăng khả năng gây ra cháy lan, cháy lớn khi có sự cố xảy ra.

    - Ngoài ra công tác PCCC của Ban quản lý các chợ, TTTM còn tồn tại nhiều hạn chế như: trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ còn thiếu, chưa trang bị lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; bảo dưỡng phương tiện PCCC chưa thường xuyên; lực lượng PCCC tại chỗ còn mỏng.

    - Điều đáng báo động hơn nữa trước thực trạng nguy hiểm tại các chợ là các lối thoát hiểm vừa thiếu lại vừa bị che chắn hoặc bị tận dụng vào việc buôn bán. Không những vậy, bà con tiểu thương ở nhiều chợ, TTTM thường dùng loại cửa tôn cuốn che kín toàn bộ quầy sạp vào ban đêm khi nghỉ buôn bán. Thực trạng này rất nguy hiểm vì nếu xảy ra cháy bên trong quầy sạp nào đó, việc phát hiện kịp thời lúc mới xảy ra cháy là rất khó cho ban quản lý cũng như bảo vệ chợ. Đến khi đám cháy bùng phát lớn, thì các quầy sạp được che kín bằng cửa tôn cuốn này cũng là những lá chắn đối với các vòi nước chữa cháy.

     III. Các nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy tại các hộ dân buôn bán, kinh doanh trong chợ:

    Với thực trạng về công tác PCCC có thể thấy đối với các chợ, TTTM luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn về PCCC. Trong đó, có những nguy cơ trực tiếp rất dễ dẫn đến cháy nổ là việc sử dụng hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện, việc bố trí trưng bày hàng hóa, việc vi phạm trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong chợ và trung tâm thương mại, việc sửa chữa các gian hàng hóa không có biện pháp che chắn nguồn lửa nguồn nhiệt, không đảm bảo an toàn về PCCC.

     Những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy chợ, TTTM bao gồm:

     - Nguyên nhân cháy do điện: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy các thiết bị điện trong quá trình sử dụng là do ngắn mạch các dây dẫn và thiết bị điện, quá tải hệ thống điện hoặc do điện trở chuyển tiếp lớn ở chỗ tiếp xúc đẫn đến phát sinh nguồn nhiệt, phát sinh tia lửa điện gây cháy.

     - Nguyên nhân do ngọn lửa trần: Nguồn lửa, nguồn nhiệt phát sinh trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt sai quy định của các hộ kinh doanh trong quá trình đun nấu, thắp hương, thờ cúng, hút thuốc…

     - Do ý thức của người dân còn kém trong công tác bảo vệ an toàn PCCC của chính bản thân mình và cộng đồng.

     - Ngoài ra, nguồn lửa có thể phát sinh do các mục đích khác nhau của con người như đốt phá hoại, tư thù cá nhân hay đốt vì mục đích chính trị… hoặc do các hiện tượng bất khả kháng của tự nhiên.

     IV. Các giải pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ dân buôn bán, kinh doanh trong chợ:

     1. Biện pháp, phương pháp phòng cháy:

      - Tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra an toàn PCCC tại các chợ, TTTM của Ban quản lý chợ, các cơ quan chức năng.

      - Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về PCCC cho các tiểu thương kinh doanh và lực lượng PCCC cơ sở tại chợ, TTTM. Cũng như yêu cầu các tiểu thương chấp hành hành nghiêm các quy định an toàn về PCCC, nếu vi phạm nhiều lần có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

      - Không tàng trữ, kinh doanh trái phép các mặt hàng nguy hiểm cháy, nổ như: Xăng, dầu, gas, chất dễ cháy, nổ khác;

      - Ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn (tắt công tắc, cầu dao, attomat, rút phích cắm ra khỏi ổ cắm điện…) trước khi ra khỏi khu vực kinh doanh;

      - Không sử dụng ngọn lửa trần như: đun nấu, thắp hương, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc, đốt vàng mã… trong khu vực kinh doanh;

      - Không tự ý câu mắc các thiết bị điện để chiếu sáng, sinh hoạt, trang trí, quảng cảo… không đảm bảo an toàn về điện hoặc câu mắc quá nhiều để tránh hiện tượng quá tải gây cháy;

      - Sắp xếp, trưng bày hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện (khoảng cách tối thiểu là 0,5m). Lưu ý: Việc sắp xếp hàng hóa phải tính đến trường hợp các chồng, đống hàng hóa khi đổ không đè lên các thiết bị điện hoặc đường dây điện;

     - Bố trí các bình chữa cháy xách tay ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy. Không sắp xếp, trưng bày hàng hóa che khuất các phương tiện, dụng cụ chữa cháy;

     - Khi hết giờ kinh doanh phải sắp xếp toàn bộ hàng hóa, vật dụng vào trong quầy, sạp và đóng kín tất cả các cửa quầy, sạp để hạn chế tốc độ lan truyền của đám cháy trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ.

     - Tại cửa hàng phải có các biển nội qui an toàn PCCC, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy.

     - Sắp xếp hàng hoá gọn gàng và theo từng nhóm nhất định, đảm bảo có lối thoát nạn đủ rộng trong trường hợp có sự cố xảy ra.

     - Lập các phương án chữa cháy và tiến hành tập duyệt phương án để không rơi vào tình trạng bị động khi có sự cố xảy ra...

     2. Biện pháp, phương pháp chữa cháy tại chỗ:

     - Thường xuyên kiển tra, bảo dưỡng hệ thuống báo cháy, chữa cháy đã được trang bị.

     - Khi cháy xảy ra, phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp chữa cháy theo Tiêu lệnh chữa cháy.

     + Báo động.

     + Cắt điện.

     + Chữa cháy bằng lực lượng và phương tiện ban đầu (tại chỗ).

     + Gọi số 114 (Đội chữa cháy chuyên nghiệp).

     + Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới hiện trường, phải thông báo tình hình tại đó để cho lực lượng chữa cháy có thể triển khai các biện pháp chữa cháy hiệu quả nhất.

         - Ban quản lý chợ phải kiến nghị xây dựng các điểm tập của người dân, những tiểu thương kinh doanh tại chợ, TTTM để có thể kiểm soát được số người còn mắc kẹt bên trong khi có cháy nổ xảy ra.

                                                                                   Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13930316
Số người đang truy cập: 27
Hôm nay: 21016
Hôm qua: 21621
Tuần này: 79419
Tuần trước: 218465
Tháng này: 729025
Tháng trước: 565030

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác