THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Nội dung cơ bản của các Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự

Ngày 12/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và sáng ngày 29/11/2021, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã tổ chức công bố Luật. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2021.

Trong Luật này, bên cạnh các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP thì Luật đã bổ sung trách nhiệm "kiểm tra, xác minh sơ bộ" tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã tương đương như Công an phường, thị trấn và bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án với lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Để tổ chức triển khai thi hành các quy định của Luật, chiều ngày 29/11/2021, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức lễ ký 2 Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; đó là, Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BNNPTNT-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/1/2022) và Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh" theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự (Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2021, cùng thời điểm có hiệu lực thi hành với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự).

Đây là các thông tư liên tịch được xây dựng, ban hành rất khẩn trương (chỉ sau 17 ngày kể từ ngày Luật được thông qua), thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật  để tăng cường vai trò của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang gặp phải.

Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BNNPTNT-VKSNDTC là Thông tư liên tịch được xây dựng, ban hành để bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.

Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC có 3 điều (từ Điều 1 đến Điều 3). Trong đó, Điều 1 quy định về sửa đổi khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC, Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành của Thông tư liên tịch, theo đó, Thông tư liên tịch này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/01/2022, Điều 3 quy định về trách nhiệm thi hành của các cơ quan, đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC điều chỉnh những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, quy định cụ thể các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã

Trước đây, khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC chỉ quy định chung hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an; chưa quy định cụ thể các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ là những hoạt động cụ thể nào.

Để bảo đảm rõ ràng, minh bạch, Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC quy định hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn bao gồm các hoạt động: Lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và người có liên quan;

Có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; Xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan;  Xác định sơ bộ thông tin về hậu quả, thiệt hại; Phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm. Nội dung này được thể hiện tại Điều 1 Thông tư liên tịch (điểm a, điểm b khoản 5 Điều 8).

Thứ hai, quy định các trường hợp về thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an

Trước đây, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC chỉ quy định một loại thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) kể từ khi tiếp nhận (khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch). Hiện nay, Thông tư liên tịch 01/2021 quy định 2 loại thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã gắn với 2 trường hợp cụ thể:

+ Thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với xác xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm áp dụng đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

+ Thời hạn 7 ngày được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm áp dụng đối với các tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc các trường hợp nêu trên. Trong thời hạn 7 ngày này, Công an cấp xã sẽ tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ như đã nêu ở trên.

Trong quá trình giải quyết, nếu phát hiện tố giác, tin báo thuộc trường hợp phải chuyển trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ như đã nêu ở trên thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phải chuyển tố giác, tin báo về tội phạm trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với các xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn...) mà không đợi hết 7 ngày mới chuyển tố giác, tin báo về tội phạm.

Thứ ba, quy định về cơ chế kiểm soát của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đối với hoạt động tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an

Trước đây, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC chưa quy định nội dung này. Để kiểm soát hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, Thông tư liên tịch quy định khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Công an cấp xã vào sổ tiếp nhận và báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện sẽ chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tiến hành kiểm tra việc tiếp nhận và kiểm tra việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.

Về hiệu lực thi hành, mặc dù Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/1/2022; tuy nhiên, do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2021 nên Công an xã vẫn có thẩm quyền kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm. Việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cụ thể, đề nghị Công an các đơn vị, địa phương áp dụng các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đã được lãnh đạo liên ngành thống nhất tại Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC để hướng dẫn Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an thực hiện.

Về thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an: Trong thời gian từ ngày 1/12/2021 đến ngày 13/1/2022, Công an các đơn vị, địa phương áp dụng các mốc thời hạn 24 giờ và 48 giờ (áp dụng đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn) kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền được quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC. Kể từ ngày 14/01/2022, sẽ thực hiện các thời hạn được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC có hiệu lực thi hành,

Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT được xây dựng, ban hành để quy định chi tiết thi hành điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT có 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định rất cụ thể về nguyên tắc, chặt chẽ về áp dụng các căn cứ "vì lý do bất khả kháng do thiên tai", "vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh" và các cơ chế để kiểm soát, tránh lạm dụng để tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố; các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi; cụ thể như sau:

Về nguyên tắc áp dụng, Thông tư liên tịch quy định, khi áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các nguyên tắc sau đây: (1) Tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan; (2) Chỉ áp dụng khi có đủ các căn cứ theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch này; (3) Bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; (4) Bảo đảm thận trọng khi quyết định áp dụng đối với từng vụ việc, vụ án cụ thể, nghiêm cấm việc lạm dụng và (5) Bảo đảm kiểm soát tội phạm, không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc, vụ án khi được phục hồi.

Về tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNNPTNT-BTC quy định: Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 hoặc điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự khi có đủ các căn cứ:

Thứ nhất, đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết thúc điều tra hoặc quyết định việc truy tố do thuộc một trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, bao gồm: (1) người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang ở vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai và (2) địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Thứ hai, đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thời hạn điều tra hoặc thời hạn quyết định việc truy tố.

Về tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh, Điều 4 Thông tư liên tịch quy định, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 hoặc điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự khi có đủ các căn cứ:

Thứ nhất, đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết thúc điều tra hoặc quyết định việc truy tố do thuộc một trong các trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh, bao gồm: (1) Người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (2) Người tham gia tố tụng đang bị cách ly y tế theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền do bị mắc bệnh dịch thuộc nhóm A hoặc do thuộc trường hợp khác liên quan đến bệnh dịch thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (3) Người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thứ hai, đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thời hạn điều tra hoặc thời hạn quyết định việc truy tố.

Để quản lý, kiểm soát, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ "vì lý do bát khả kháng do thiên tai, dịch bệnh", Điều 5 Thông tư liên tịch quy định theo hướng viện dẫn đến Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNNPTNT-BTC-BTP ngày 1/6/2020 của liên ngành tư pháp Trung ương quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2021, do đó, Công an các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo các Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền rà soát các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, vụ án hình sự trong quá trình điều tra nếu có đủ căn cứ theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT thì thống nhất áp dụng căn cứ "tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh" để tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra và thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo quy định.

Trong thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật ở đơn vị mình; trong đó cần chú trọng đến công tác bồi dưỡng, tập huấn cho Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã về công tác kiểm tra, xác minh sơ bộ ban đầu các tố giác, tin báo về tội phạm, kết hợp với việc tập huấn công tác nghiệp vụ cơ bản của Công an xã.

Đồng thời, cần rà soát, lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, bảo đảm để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ điều tra hình sự của Công an cấp xã theo quy định. Trong đó, bố trí cán bộ theo nguyên tắc mỗi Công an cấp xã có đồng chí Phó Công an phụ trách phòng, chống tội phạm là cán bộ đã có kinh nghiệm thực tiễn về công tác phòng, chống tội phạm.

Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an

 


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

25 03
THÔNG BÁO Về việc tuyển sinh đào tạo...

Thực hiện chủ trương của Bộ Công về việc tuyển sinh đào...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13058097
Số người đang truy cập: 18
Hôm nay: 9035
Hôm qua: 15193
Tuần này: 59311
Tuần trước: 110240
Tháng này: 465116
Tháng trước: 726288

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác