THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Quan điểm của Bộ Công an tham gia ý kiến đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam

1. Đề nghị cân nhắc một số nội dung cơ bản như: khái niệm, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở khu vực biên giới và các nội dung cụ thể trong từng điều luật. Nhất là việc dự thảo quy định nội dung tại các điều về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, điều về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng với nội dung: "Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu" là không phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các văn bản hiện hành khác. Đồng thời, nội dung này khác với dự thảo mà Chính phủ trình Quốc hội để xin ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020 vừa qua). Theo đó, cần tiếp tục khẳng định, vai trò chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự trên toàn lãnh thổ nói chung và ở khu vực biên giới, cửa khẩu nói riêng thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và cần chỉnh lý các nội dung liên quan đến trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự cho phù hợp hơn với Hiến pháp, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự,… và dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam mà Chính phủ đã trình.

Bởi các lý do:

Một là, xuất phát từ quy định tại Điều 66 Hiến pháp quy định: "Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng"; Điều 67 quy định: "Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại…  nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm"; Nghị quyết số 18-NQ/TW, về nguyên tắc hoàn thiện tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước ta hiện nay là: "Một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, tổ chức đảm nhiệm", "Một việc chỉ do một cơ quan, tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính", "Một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ".

Hai là, nhất quán quan điểm quản lý và thực hiện quản lý nhà nước là thống nhất, không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ, cần phân định chức năng Bộ Công an là đơn vị nòng cốt, chủ trì quản lý và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm theo đúng chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật liên quan. Thực tế, khu vực biên giới trên bộ có hơn 420 Công an xã, phường, thị trấn thuộc 100 Công an cấp huyện biên giới. Khu vực biên giới trên biển có 11 Công an huyện đảo và hơn 620 xã, phường, thị trấn thuộc 124 Công an cấp huyện giáp biển. Ngoài ra, ở các khu vực trọng điểm về an ninh, trật tự, Bộ Công an thành lập các Đồn, Trạm Công an để bảo đảm an ninh, trật tự.

Ba là, Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới không chỉ quản lý an ninh đường biên giới, cột mốc mà cả bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin, đấu tranh chống gián điệp, phản động; quản lý xuất nhập cảnh; phòng, ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm có tổ chức, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội bao gồm: giao thông, trật tự xã hội, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, phòng cháy và chữa cháy… Các nhiệm vụ này đã được quy định trong hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự cơ bản đã hoàn thiện hiện nay như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Phòng chống khủng bố, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Thi hành án hình sự, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động… Trong đó, quy định Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên các lĩnh vực an ninh, trật tự, kể cả ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Bộ đội Biên phòng là lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới đất liền. Không thể các đơn vị chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu của lực lượng Công an lại thành "cơ quan phối hợp" trong bảo vệ an ninh, trật tự vì nếu quy định như vậy, khi xảy ra vụ việc về an ninh, trật tự sẽ rất khó khăn trong phân định trách nhiệm thực thi nhiệm vụ. Quy định của Luật mà không sát thực tiễn sẽ rất khó khăn trong tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện.

Bốn là, trước vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự (gây rối an ninh, biểu tình, bạo loạn, an ninh nông thôn…), kể cả ở khu vực biên giới phải do lực lượng Công an nhân dân chủ trì giải quyết, nếu giao cho lực lượng Bộ đội biên phòng thuộc lực lượng Quân đội nhân dân chủ trì giải quyết là không phù hợp với Hiến pháp, không đúng chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

2. Về tên gọi của dự thảo Luật                             

Với tên gọi là "Luật Biên phòng Việt Nam" thì đề nghị cân nhắc, rà soát kĩ các quy phạm trong dự thảo Luật vì nội dung phòng thủ Biên giới đã được điều chỉnh ở các Luật có liên quan như: Luật Biên giới Quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia… Do đó, việc xây dựng 01 dự án Luật mới trên cơ sở thu hút một số nội dung của các Luật nêu trên cần phải được rà soát thật kỹ (xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, đề nghị cần tổng kết Luật Biên giới quốc gia, đánh giá tác động, rà soát các quy phạm pháp luật có liên quan để thu hút nội dung vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và bãi bỏ những quy phạm pháp luật trùng dẫm giữa Luật Biên giới quốc gia, các luật khác có liên quan với dự thảo Luật này). Đồng thời, làm rõ nội dung quy định cho lực lượng Biên phòng hay phòng thủ Biên giới và thiết kế tương tự như Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng cho phù hợp hơn, bảo đảm logic cả về nội dung và hình thức.

3. Về khái niệm Biên phòng

Đề nghị cân nhắc chỉnh lý khái niệm "Biên phòng" cho phù hợp với khái niệm "Quốc phòng" quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quốc phòng là "Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt". Theo đó, cần bổ sung, chỉnh lý làm rõ vai trò chủ thể nòng cốt của lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân Tư vệ) quy định tại khái niệm "Biên phòng" và quy định tại điều về "Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng".

4. Về cách hiểu của cụm từ "khu vực biên giới và cửa khẩu"

Đề nghị làm rõ cụm từ "khu vực biên giới" ở luật này có khác so với "khu vực biên giới", "khu vực biên giới trên đất liền" ở Điều 6 của Luật Biên giới quốc gia không? Cần giải thích rõ từ ngữ, xác định rõ phạm vi hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an nhân dân trong hoạt động biên phòng ở khu vực biên giới theo Luật Biên giới quốc gia hay Luật này? Theo Luật Biên giới quốc gia thì Khu vực biên giới bao gồm khu vực biên giới trên đất liền, khu vực biên giới trên biển và khu vực biên giới trên không. Trong đó, "Khu vực biên giới trên đất liền" gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền. Như vậy, khu vực biên giới trên đất liền mới hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn biên giới, mà chưa có huyện đảo biên giới. Trong khi, trên thực tế hiện nay, có những huyện đảo không có cấp hành chính xã, phường thì khu vực biên giới được xác định như thế nào?

Từ đó, cần phải rà soát đối chiếu lại vị trí, chức năng của các lực lượng khác làm chuyên trách, nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới đã được quy định tại các văn bản luật như: Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam,… để xác định phạm vi hoạt động của từng lực lượng nói chung và phạm vi hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng (quy định tại điều về phạm vi hoạt động của Bộ đội Biên phòng) cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật.

5. Một số nội dung cụ thể:

- Tại điều về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đề nghị chú ý nội dung: "1. Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu. 2. Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách". Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, nhưng tại Chương về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng lại giao nhiệm vụ Bộ Công an, Bộ Ngoại giao chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới. Vậy nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Bộ nào chủ trì quản lý nhà nước thì lực lượng của chính Bộ đó đảm nhiệm vai trò nòng cốt, chuyên trách thực hiện (tương tự như quy định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong Luật An ninh quốc gia).

Theo đó, đề nghị chỉnh lý, bổ sung điều về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng cho phù hợp với điều có nội dung quy định "lực lượng vũ trang làm nòng cốt". Vì rất nhiều nhiệm vụ đang được giao cho lực lượng vũ trang khác (ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng) làm nòng cốt, chủ trì thực hiện trên toàn lãnh thổ, trong đó có cả ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Như lực lượng Công an được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ "giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia",… Đặc biệt, vai trò chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của lực lượng Công an nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

- Tại điều về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, đề nghị chú ý bổ sung cụm từ "theo quy định của pháp luật" và chỉnh lý thành "Kiểm soát xuất nhập cảnh tại các lối mở, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật" cho thống nhất, phù hợp với quy định tại các điều về vị trí, chức năng, quyền hạn, phạm vi hoạt động của Bộ đội Biên phòng và điều về trách nhiệm của Bộ Công an.

- Tại điều về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, đề nghị chú ý chỉnh lý, bổ sung như sau: "Áp dụng các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới…; cấp thị thực và các loại giấy phép trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật" cho phù hợp với quy định tại điều về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng.

- Tại điều về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, đề nghị chú ý các nội dung:

+ Cân nhắc quy định tại khoản 1 là "chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan… thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng" vì việc thực hiện quản lý nhà nước về biên phòng là một khái niệm rộng, bao hàm nhiều nhiệm vụ khác nhau đã được Chính phủ giao cho các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính (lực lượng Hải quan) thực hiện.

+ Bổ sung, chỉnh lý nội dung sau: "Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội tham gia thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật" nhằm thống nhất với chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân.

Vì nội hàm của hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới không chỉ quản lý an ninh đường biên giới, cột mốc mà còn gồm các hoạt động bảo vệ an ninh nội bộ; an ninh văn hóa, tư tưởng; an ninh thông tin; đấu tranh chống gián điệp, phản động; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội bao gồm: giao thông; trật tự xã hội; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý cư trú; phòng cháy và chữa cháy;... trong phạm vi địa bàn huyện, xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới. Thực tế, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới đang được giao cho cả Bộ Quốc phòng (Bộ đội biên phòng) và Bộ Công an thực hiện và được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật An ninh quốc gia; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Cư trú; Luật Căn cước công dân; Luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Thi hành án hình sự; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường;...

+ Bổ sung, chỉnh lý nội dung: "Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương nơi có biên giới thực thi nhiệm vụ biên phòng.".

+ Quy định rõ thành phần nào thuộc Bộ đội Biên phòng được xây dựng, tiến thẳng lên hiện đại, không quy định chung chung như cách viết trong nghị quyết của Đảng.

- Tại điều về trách nhiệm của Bộ Công an, đề nghị chú ý các nội dung:

+ Viết theo hướng nền an ninh nhân dân gắn với nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân.

+ Thu hút, chỉnh lý các nội dung tại các khoản thành 01 khoản:

"Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng,… chính quyền địa phương có biên giới:

a) Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân gắn với nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân ở khu vực biên giới;

b) Chủ trì thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh,… về xuất nhập cảnh.

d) Đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách về nghiệp vụ, pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trao đổi thông tin nghiệp vụ liên quan để thực thi nhiệm vụ biên phòng"./.

 


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13953157
Số người đang truy cập: 41
Hôm nay: 15742
Hôm qua: 28176
Tuần này: 102321
Tuần trước: 218465
Tháng này: 751927
Tháng trước: 565030

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác