THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh, thành phố có hoạt động của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã luôn quán triệt chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào các dân tộc; coi trọng chính sách đoàn kết, hòa hợp giữa các tôn giáo; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, ban hành nhiều Chỉ thị, chương trình, kế hoạch… về công tác tôn giáo nhằm bảo đảm quyền con người về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể: Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 46-CTr/TU ngày 04/6/2003 về thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW; Chỉ thị 12-CT/TU ngày 16/9/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo; Chỉ thị 46-CT/TU ngày 17/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng cốt cán trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 28/CT-UBND ngày 25/12/2012 về việc xây dựng, sửa chữa, xin giao đất, tấn phong của các cơ sở tôn giáo.... Đặc biệt, ngày 07/9/2022, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với chức sắc, chức việc, đại diện các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm túc, phù hợp với tình hình.

Với những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trước hết thể hiện ở số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự ngày càng gia tăng, quy mô hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lớn. Năm 1990, toàn tỉnh có 368 cơ sở tôn giáo, 126 chức sắc, 360 chức việc, 276.420 tín đồ. Đến nay, toàn tỉnh có 08 tổ chức tôn giáo đang hoạt động với 655 cơ sở tôn giáo; hơn 6.200 nhà tu hành và gần 600.000 tín đồ (chiếm hơn 52% dân số toàn tỉnh). Về tín ngưỡng, có 131 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 32 đình, 50 miếu, 26 miễu và 23 cơ sở tín ngưỡng khác.

Thành tựu bảo đảm quyền con người về tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được thể hiện ở việc những người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự, điểm nhóm đăng ký với chính quyền theo quy định. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo Hiến chương, điều lệ, được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh sách, nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự; mở rộng quy mô, hình thức sinh hoạt… Còn đối với nhóm theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, chính quyền địa phương vẫn bảo đảm tự do sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đăng ký với chính quyền theo quy định của pháp luật. Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đối với 28/30 điểm nhóm Tin lành, trong đó có 03 điểm sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài gồm Chính thống giáo của người Nga, Tin lành Hàn Quốc, người Philippine theo đạo Công giáo.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu quốc tế theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham quan, tham gia các hoạt động tôn giáo: tháng 4/2019, Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam, Tổng Giám mục Giovanni Pietro Dal Toso - Chủ tịch Hội Giáo hoàng truyền giáo Roma, Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên lần 1 năm 2019 tại nhà thờ giáo xứ Bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu;  tháng 7/2019, đoàn gồm 160 linh mục thuộc Hội dòng Đa Minh thế giới đến tham quan, cầu nguyện tại Đền thánh Đức mẹ Bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu; ngày tháng 11/2019, đoàn khách nước ngoài thuộc dòng Chúa cứu thế đến tham quan tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Tượng Chúa Kitô Vua, cộng đoàn của Tỉnh dòng tại phường 5, thành phố Vũng Tàu…

Những thành tựu trên là tiền đề, cơ sở để các tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ tham gia, đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, nổi bật như:

- Các tôn giáo ở tỉnh đã góp phần lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú các giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức, thông qua giáo lý tôn giáo khuyên răn con người sống vị tha, bác ái, hướng thiện. Hàng ngũ chức sắc, chức việc, nhà tu hành chấp hành và hướng dẫn tín đồ thực hiện đúng đường hướng, phương châm hành đạo của các tổ chức tôn giáo đã đề ra, như "Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo, "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào" của Công giáo; "Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc" của Tin lành; "Học phật tu nhân" lấy "Tứ đại trọng ân làm đầu" của Bửu Sơn Kỳ Hương, "Phước Huệ song tu" của Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, "Nước vinh, đạo sáng" của Cao đài. Trên địa bàn tỉnh có 06 cơ sở tôn giáo được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và 02 cơ sở tôn giáo được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Hoạt động của các cơ sở đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Đồng thời, hàng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch từ địa phương khác đến tham quan, chiêm bái, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhất là ngành du lịch - dịch vụ cho tỉnh.

- Các tôn giáo tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động. Nổi bật là việc hưởng ứng ký kết thi đua giữa các tôn giáo thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo" hàng năm, nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo", cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Đồng bào các tôn giáo phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tích cực giúp đỡ nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia công tác từ thiện xã hội. Mỗi năm, các tôn giáo đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác từ thiện - xã hội ở trong và ngoài tỉnh.

- Hàng ngũ chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các đoàn thể xã hội, chăm lo, tập hợp giáo dục giới trẻ sống có trách nhiệm, có ích, gương mẫu đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Năm 2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động, hiệp thương 437 ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024 (trong đó có 101 vị là chức sắc, chức việc, người có tu hành các tổ chức tôn giáo, 336 vị là người có uy tín các tôn giáo và đồng bào các tôn giáo). Về số lượng đại biểu tôn giáo (chức sắc và tín đồ) trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh: có 01 vị là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 09 vị là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 79 vị là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

- Hiện có 08 phòng khám bệnh và bốc thuốc miễn phí cho người nghèo (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam), 01 Phòng khám Đông y (Công giáo). Trung bình mỗi ngày, các phòng khám tiến hành khám và điều trị cho từ 50-100 bệnh nhân, bốc từ 300-400 thang thuốc nam miễn phí. Bốn bếp ăn tình thương miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Bà Rịa, bệnh viện Lê Lợi, trung tâm y tế huyện Châu Đức, bệnh viện tâm thần huyện Châu Đức với kinh phí duy trì khoảng 7,5 tỷ/năm.

- Về bảo trợ xã hội: có 33 cơ sở của tôn giáo (có 07 cơ sở có quyết định thành lập) đang nuôi dưỡng đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, tổng số 777 người. Các cơ sở bảo trợ tôn giáo đã có những đóng góp tích cực, chung tay chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

- Tham gia phát triển giáo dục mầm non, dạy nghề: toàn tỉnh có 63 cơ sở giáo dục mầm non của tôn giáo, 01 cơ sở dạy nghề, 01 cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật hoạt động thường xuyên, tiếp nhận khoảng 6000 cháu theo học. Một số giáo xứ, cơ sở dòng tu, chùa tổ chức lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ, bổ túc văn hóa; lập quỹ khuyến học, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo.

Những thành tựu về bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn đã, đang và sẽ khẳng định tính đúng đắn trong chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các tôn giáo, coi đồng bào tôn giáo là một bộ phần không thể tách rời trong khối đại đoàn kết, góp phần xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung ngày càng vững mạnh, phát triển.

BBT-Thúy Quỳnh


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

25 03
THÔNG BÁO Về việc tuyển sinh đào tạo...

Thực hiện chủ trương của Bộ Công về việc tuyển sinh đào...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13062899
Số người đang truy cập: 66
Hôm nay: 639
Hôm qua: 13305
Tuần này: 64220
Tuần trước: 110240
Tháng này: 470025
Tháng trước: 726288

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác