PHÁP LUẬT ĐỜI SỐNG PHÁP LUẬT ĐỜI SỐNG

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bố trí được 47/47 xã (100%) Công an chính quy về giữ các chức danh Công an xã.

          Trong những năm qua, để góp phần quan trọng hỗ trợ giúp đỡ  lực lượng Công an xã, phường, thị trấn chính quy đảm bảo ANQG, TT ATXH trên địa bàn cấp xã là các lực lượng như: Công an xã bán chuyên trách, lực lượng BVDP, Đội dân phòng.

          I. Thực trạng về lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng BVDP, Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

          1. Về Công an xã bán chuyên trách:

          - Vị trí, chức năng: Công an xã bán chuyên trách được xác định là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Công an xã bán chuyên trách có chức năng tham mưu với cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn xã; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ANTT, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về ANTT, an toàn trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

          - Thực trạng: Sau khi đã bố trí CAX chính quy, lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay có: 551 đồng chí; trong đó Phó trưởng Công an xã: 15 đồng chí, Công an viên thường trực: 86 đồng chí, Công an viên phụ trách thôn, ấp: 450 đồng chí. Hiện nay, việc bố trí Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh đang thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/09/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, ấp, khu phố; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh BR-VT.

- Chế độ chính sách: Thực hiện theo Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, ấp, khu phố; Công an viên thường trực ở xã; Công viên viên phụ trách thôn, ấp ở xã. Cụ thể:

          + Phó trưởng Công an xã, Công an viên thường trực: Mức hỗ trợ bằng 2.28 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

          + Công an viên phụ trách thôn, ấp: Mức hỗ trợ bằng 1.2 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

          Ngoài ra, Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng 0,05 lần của mức lương cơ bản (74.500 đ/ngày, theo bảng chấm công của địa phương).

          2.  Về lực lượng BVDP:

          - Vị trí, chức năng: Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập. Bảo vệ dân phố có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng, bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn.

          - Thực trạng: Tổng số Ban bảo vệ dân phố: 35 ban, 209 tổ Bảo vệ dân phố gồm 1.495 thành viên. Trong đó có 209 tổ trưởng, 205 tổ phó và 1081 tổ viên. Hiện nay việc bố trí lực lượng BVDP trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/04/2006 về Bảo vệ dân phố, Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/03/2007 của giữa Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP.

- Chế độ chính sách: Thực hiện theo Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 28/02/2011 về việc quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với lực lượng Bảo vệ dân phố thuộc tỉnh BR-VT, cụ thể:

+ Trưởng ban, Phó trưởng ban BVDP được hưởng hệ số 1,52 x mức lương tối thiểu chung.

+ Tổ trưởng, Tổ phó, Thành viên BVDP được hưởng hệ số 1,00 x mức lương tối thiểu chung.

+ Chế độ BHXH, BHYT của lực lượng BVDP tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 80/2010/QĐ-UBND ngày 08/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh BR-VT về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh BR-VT.

3. Về Đội dân phòng

- Vị trí, chức năng: Đội dân phòng là lực lượng tham gia PCCC, giữ gìn ANTT tại nơi cư trú được quy định tại Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 mà cụ thể bằng Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 573 Đội dân phòng với 3.685 thành viên thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ.

- Chế độ chính sách: Thực hiện theo Nghị quyết số 01/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, theo đó: Tổ trưởng được hưởng phụ cấp bằng 40% mức lương cơ sở; Tổ phó được hưởng 30% mức lương cơ sở.

II - Nhận xét, đánh giá

  1. Ưu điểm:

- Trong những năm qua, các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, BVDP, Đội dân phòng được ví như cánh tay nối dài của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn chính quy. Hiện với, quân số Công an xã chính quy chỉ từ 5-7 đ/c mỗi xã; mỗi phường, thị trấn chỉ có khoảng 10 đ/c, trong khi phụ trách địa bàn đa số là diện tích rộng, dân số đông. Mỗi CSKV, Công an viên chính quy đều phụ trách số hộ dân vượt so với quy định của Thông tư 09/2015/TT-BCA ngày 10/02/2015, Thông tư 46/2021/TT-BCA ngày 05/05/2021 của Bộ Công an nên không thể quán xuyến hết địa bàn. Do đó các lực lượng này đã góp phần quan trọng cùng Công an xã, phường, thị trấn trong công tác giữ gìn ANQG, TT ATXH trên địa bàn cấp xã.

- Dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy, chính quyền cấp xã mà trực tiếp là Công an xã, phường, thị trấn, các lực lượng này nói chung, Công an xã bán chuyên trách nói riêng đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng của Đảng, tâm huyết, nhiệt tình với công việc, muốn được tiếp tục tham gia cống hiến, góp phần giữ gìn ANTT ở địa phương. Trong khi có thể khẳng định rằng: Lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh lịch sử của mình.

- Từ khi bố trí cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã cơ bản khắc phục được những tồn tại, yếu kém của lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Mặt khác, thông qua việc cùng Công an chính quy thực hiện công tác chuyên môn, lực lượng bán chuyên trách đã học hỏi nhiều kinh nghiệm, nắm bắt được các quy trình giải quyết công việc theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, của ngành Công an, đảm bảo tính chuyên sâu trong hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an...góp phần xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh.

- Lực lượng Công an xã bán chuyên trách, BVDP, Đội dân phòng là tổ chức quần chúng tự quản, có mối quan hệ gần gũi thuận lợi, gắn bó với các tổ chức chính trị, đoàn thể như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... qua đó hướng dẫn và huy động đông đảo các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân tham gia góp phần bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã. Mặt khác các lực lượng này thường có mặt kịp thời, tham gia vận động, hòa giải, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay tại địa bàn cơ sở.

2. Hạn chế, khó khăn:

- Thực tế hiện nay, đang trong giai đoạn chuyển tiếp chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ANTT của lực lượng Công xã chính quy. Lực lượng Công an xã bán chuyên trách được chuyển thành lực lượng tự quản, bổ trợ Công an xã, phường, thị trấn chính quy hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời sau khi triển khai Công an chính quy về xã, việc bố trí lực lượng Công an xã bán chuyên trách theo quy định của pháp luật về Công an xã ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định là có giới hạn nhất định. Một số địa phương vận dụng quy định của pháp luật để sắp xếp công việc, giải quyết chế độ, chính sách nhưng chỉ mang tính thạm thời. Điều này, đã ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã có quá trình cống hiến, gắn bó lâu dài với lực lượng Công an trước khi kết thúc nhiệm vụ, tác động xấu đến dư luận xã hội.

- Các lực lượng này hiện nay có các tên gọi khác nhau và điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau ( Công an xã bán chuyên trách: Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/09/2009; BVDP: Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/04/2006, Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/03/2007 của giữa Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh xã hội và Bộ Tài chính; Đội dân phòng: Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 mà cụ thể bằng Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC), chế độ chính sách cũng khác nhau. Vì vậy, các quy định cần phải có sự thống nhất về tên gọi và chế độ chính sách.

- Hoạt động của các lực lượng này trong công tác hỗ trợ lực lượng Công an xã, phường, thị trấn chính quy trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở hiện nay có nhiều nhiệm vụ Công an xã, BVDP, Dân phòng được giao tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Đây là những vấn đề cần có luật điều chỉnh.

III. Tính cấp thiết xây dựng và ban hành luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Từ những ưu điểm và hạn chế, khó khăn nêu trên. Chúng tôi nhận thấy để phát huy hiệu quả của các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, BVDP, Đội dân phòng cần phải thống nhất về tên gọi và hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc xây dựng và ban hành luật: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là thực sự cần thiết, bởi vì:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, cũng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; cụ thể tại các văn bản như: Theo tinh thần của Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Hai là, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; qua đó, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyên, tự quản ở địa bàn cơ sở: Pháp luật hiện hành đang quy định vị trí, chức năng của lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách là những lực lượng thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, sau khi Luật Công an nhân dân năm 2018 được ban hành đã quy định đồng bộ, thống nhất về 4 cấp Công an; trong đó, Công an xã, phường, thị trấn hiện nay đã được tổ chức. bố tri toàn diện, đồng bộ, thống nhất Công an chính quy và lực lượng này thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Theo đó, về vị trí, chức năng của các lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bản chuyên trách phải được xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Công an nhân dân năm 2018 và bảo đảm không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, cụ thể đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý nhà nước về ANTT tại xã sang vị trí, chức năng là lực lượng tự quản, hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đàm nhiệm các chức danh Công an xã. Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với các đồng chí Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng. Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định các chức danh Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các vấn đề này. Do đó, việc sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để khắc phục thực trạng khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Bốn là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhiều nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay có tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Do đó, xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để bảo vệ cơ sở pháp lý cho việc thực thi hóa nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Năm là, là cơ sở pháp lý quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ để tiếp tục sử dụng lực lượng này tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn cơ sở. Theo đó, tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và kiện toàn với lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng thành một lực lượng thống nhất để giải quyết tốt hơn chế độ, chính sách, tận dụng năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ Công an xã bán chuyên trách đã được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ trong việc tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn cơ sở, vừa tránh lãng phí nguồn lực xã hội vừa không tạo áp lực lên hệ thống biên chế bộ máy nhà nước. Nhất là những đồng chí này cư trú ở địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn dân cư. Đây là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nền an ninh dân nhân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Sáu là, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về bố trí lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Hiện nay, về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành; do dó, sự cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào 01 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.

          Với chức năng là phòng tham mưu, hướng dẫn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và trực tiếp tham mưu, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng này, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết, kịp thời xây dựng, ban hành luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh kiến nghị Bộ Công an, các ban ngành chức năng sớm hoàn thiện, ban hành luật và đưa vào thực tiễn.

BBT phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ


Danh mục Danh mục