PHÁP LUẬT ĐỜI SỐNG PHÁP LUẬT ĐỜI SỐNG

Công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ trọng tâm

Một số kết quả nổi bật trong công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo như đã hoàn thiện hệ thống các tiêu chí về đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển trên một số vùng biển trọng điểm như các khu vực dàn khoan, các vùng biển nhạy cảm về môi trường để có thể tiếp tục triển khai nhân rộng trên những khu vực rộng lớn hơn; đã tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung, đo vẽ, thành lập bộ bản đồ, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển cho 16 vùng trọng điểm ở tỷ lệ 1/100.000, 1/50.000...

Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ môi trường biển, đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống các tiêu chí về đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển trên một số vùng biển trọng điểm như các khu vực dàn khoan, các vùng biển nhạy cảm về môi trường để có thể tiếp tục triển khai nhân rộng trên những khu vực rộng lớn hơn. Đã tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung, đo vẽ, thành lập bộ bản đồ, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển cho 16 vùng trọng điểm ở tỷ lệ 1/100.000, 1/50.000. Bước đầu đánh giá về mức độ tổn thương tổng hợp cho 16 vùng trọng điểm và có một số kiến nghị phục vụ cho công tác quy hoạch lãnh thổ và phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng được quy trình điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển phục vụ cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển. Kết quả của một số dự án thuộc Đề án tổng thể đã góp phần xác định nguyên nhân và đánh giá những thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học do chất thải của Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa làm ô nhiễm môi trường biển và cá chết hàng loạt của 04 tỉnh ven biển miền Trung trong năm 2016.

Các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu ở cả 3 miền Bắc, miền Trung, miền Nam đã được xây dựng đi vào hoạt động và phát huy tác dụng; đã hoàn thiện về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, đánh giá về ô nhiễm tràn dầu trên biển; xác định các khu vực nhạy cảm tràn dầu và bước đầu đề xuất phương pháp tính toán lượng giá tổn thất do ô nhiễm tràn dầu và ô nhiễm môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường biển đã được Tổng cục triển khai có trọng tâm, trọng điểm, huy động và kết hợp hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát biển, kịp thời xây dựng và điều chỉnh kế hoạch bảo đảm thống nhất với Thanh tra Bộ không để xảy ra chồng chéo, trùng lặp về đối tượng thanh tra.

Tuy vậy, công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn hạn chế, cụ thể như sau: Chưa xây dựng được bản đồ phân vùng ô nhiễm môi trường biển; chưa đánh giá đầy đủ được sức chịu tải môi trường biển; chưa đánh giá được hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa, vi nhựa, phóng xạ…; Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường biển thống nhất; các tư liệu hiện có về chất lượng môi trường biển của Việt Nam hiện đang phân tán trong các đơn vị khác nhau, không tập trung và rất khó để các đơn vị có nhu cầu sử dụng tham khảo; Chưa xây dựng được nguyên tắc, quan điểm về quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, hạn chế ô nhiễm theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng; Chưa dự báo được về nguy cơ sự cố môi trường biển và đánh giá đúng và kịp thời mức độ tổn thất môi trường biển khi sự cố xảy ra. Hoạt động giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển đôi lúc còn bị động, thiếu tính phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng ở trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, mặc dù công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tăng cường, chỉ đạo quyết liệt những vẫn chưa xử lý dứt điểm. Việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số đơn vị chưa nghiêm túc, thực hiện không đầy đủ theo quy định; tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng một số cơ sở vẫn xảy ra, chưa được xử lý dứt điểm, còn phát sinh thêm cơ sở mới; ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường còn thấp, tình trạng người dân xả rác bừa bãi ra biển khá phổ biến. Đến nay, chưa có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về tài nguyên, môi trường biển, nên thiếu chế tài xử lý các vi phạm.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và môi trường (http://www.monre.gov.vn/)

 


Danh mục Danh mục