Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ

Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách thận trọng

Là quốc gia đứng thứ 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỉ lệ người dân sử dụng internet (52 triệu dân), Việt Nam được đánh giá là có cơ hội lớn để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam không nằm trong nhóm các quốc gia sẵn sàng cho cuộc cách mạng này khi chỉ đạt 4,9/10 điểm.
 
Việt Nam bị các chuyên gia của WEF xếp vào nhóm yếu kém với các chỉ số đều ở mức thấp. Cụ thể, Việt Nam chỉ đứng thứ 70/100 về nguồn nhân lực, 81/100 về lao động chuyên môn cao và xếp hạng 75/100 về chất lượng đào tạo đại học. Đối với việc đổi mới công nghệ, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 90/100. Về năng lực sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 77/100.
 
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ tương đương Campuchia, thua kém Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia... Theo bảng xếp hạng này, có 25 quốc gia sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á, bao gồm: Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Israel, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Ba Lan, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha.
 
 
Ngành dệt may sẽ bị tác động lớn bởi cách mạng công nghiệp 4.0 khi robot dần thay thế con người. Ảnh minh hoạ
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu của nhân loại, hướng đến nền công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, tự động hoá, robot...Việt Nam buộc phải tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp này nếu không muốn bị tụt hậu. 
 
Mặc dù đã có hàng trăm cuộc hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra các hướng tiếp cận khác nhau, song về cơ bản, cách tiếp cận của Việt Nam vẫn còn rời rạc, chưa có sự đột phá.
 
Ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở mức trung bình thấp. Các chỉ số về công nghệ và đổi mới sáng tạo đều chưa đạt. Ngoài ra, nguồn nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam còn chưa đảm bảo, năng suất lao động thấp.
 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ số, trong đó có vai trò quan trọng của hạ tầng viễn thông băng rộng. Ưu điểm của Việt Nam là mật độ thuê bao di động vượt xa các nước có mức thu nhập tương đương trong khu vực ASEAN.
 
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện Việt Nam có 83.000 trạm phát sóng 3G, phủ sóng tới 95% dân số. Ngoài ra còn có khoảng 43.000 trạm phát sóng 4G. Tổng lưu lượng băng rộng ở Việt Nam là 417.000 Terabyte.
 
Việt Nam có tiếp cận quá chậm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, không hẳn Việt Nam tiếp cận chậm mà là tiếp cận một cách thận trọng. 
 
"Từ trước tới nay, chúng ta vẫn đang tập trung phát triển công nghệ, đặc biệt là số hoá. Các xu hướng công nghệ mới, chúng ta đều cố gắng bám sát chứ không phải đến nay mới bắt tay vào làm. Có nhiều dự đoán khác nhau về cuộc cách mạng 4.0. Chúng ta không vội vàng đưa ra hướng đi khi chưa nắm rõ nội hàm của nó".
 
Đồng quan điểm, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trên thế giới có thể chia làm 3 nhóm tiếp cận khác nhau đối với cuộc cách mạng này. Thứ nhất là nhóm các quốc gia vào cuộc rất tích cực như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật...
 
Nhóm này không nhiều, bao gồm phần lớn các quốc gia hàng đầu thế giới. Nhóm thứ 2 phản ứng tiêu cực, không quan tâm gì, nằm ở các quốc gia có mức độ phát triển không cao. 
 
Nhóm ở giữa chiếm đại đa số (trong đó có Việt Nam), đang cố gắng tìm hiểu, đánh giá để đưa ra cách ứng xử phù hợp. "Trình độ công nghệ, trình độ kinh tế xã hội của mỗi quốc gia là khác nhau, nên cách tiếp cận cũng khác nhau.
 
Nếu giờ ta học theo Đức cũng không học được hay "giả vờ bịt mắt" như các quốc gia khác cũng không được. Quan điểm của Bộ là tiếp cận hết sức thận trọng, tỉnh táo, ta không phủ nhận nó nhưng cũng không để nó "hù doạ" đến mức sợ hãi.
 
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã dự đoán, khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra, khoảng 87% nhân công ngành dệt may có thể bị thay thế bởi robot nhưng thực tế, khi chúng tôi làm việc tới Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì không hẳn là như vậy.
 
Khi chưa có những nghiên cứu thấu đáo, chúng tôi tuyệt đối không đưa ra những khuyến nghị không chuẩn xác với Chính phủ, sẽ gây ra sự hoang mang cho xã hội cũng như có thể đưa ra những chính sách không phù hợp. Cuối năm 2018, chúng tôi sẽ phải báo cáo Chính phủ về hiện trạng công nghệ của Việt Nam để biết chúng ta đang nằm ở đâu" – ông Dương nhấn mạnh.
 
Về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang rất mơ hồ, lúng túng trong việc tiếp cận cuộc cách mạng này, ông Dương nói: "Chúng tôi sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào cuộc cách mạng này.
 
Cách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất và hiệu quả nhất là tín dụng ưu đãi. Chương trình khoa học trọng điểm cũng sẽ hỗ trợ nhóm các nhà khoa học, ngoài ra còn giúp đỡ các doanh nghiệp để đổi mới công nghệ cho phù hợp".
 
Rõ ràng, cuộc cách mạng 4.0 vừa là cơ hội giúp Việt Nam tăng tốc vừa là thách thức lớn khi mà các nền tảng cơ bản vẫn chưa đủ điều kiện đáp ứng. Thời gian qua, có thể chúng ta đã có một số sản phẩm đạt đến trình độ tiên tiến của trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, vật liệu mới nano... tuy nhiên vẫn còn rời rạc, mỗi thứ có một ít, thiếu sự kết nối.
 
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào công nghệ cốt lõi chính của cuộc cách mạng này dựa trên các tiềm năng quốc gia như nông nghiệp, du lịch, giáo dục...          
 
Khánh Vy

Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 12914405
Số người đang truy cập: 27
Hôm nay: 10996
Hôm qua: 14440
Tuần này: 25436
Tuần trước: 137836
Tháng này: 321001
Tháng trước: 726288

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác