GIỚI THIỆU GIỚI THIỆU

Quá trình hình thành và phát triển

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Công an về tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị về nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ trong lực lượng CAND; Chương trình ứng dụng Công nghệ thông tin trong lực lượng CAND giai đoạn 2008-2010, nhằm ứng dụng Công nghệ thông tin bám sát thực tiễn công tác bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND, chủ động đáp ứng yêu cầu công tác công an trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng trang Thông tin điện tử trước hết để cập nhật kịp thời những thông tin thuộc lĩnh vực an ninh trật tự nhằm phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an tỉnh.

Trang thông tin điện tử Công an tỉnh ra mắt bạn đọc còn nhằm đẩy mạnh phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND và cuộc vận động "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đang được triển khai rộng khắp trong lực lượng CAND, trong các cấp, các ngành và toàn xã hội. Qua việc kịp thời cung cấp những thông tin thuộc lĩnh vực an ninh trật tự có liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", làm cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trở thành nhiệm vụ của toàn dân, đồng thời cũng tạo cơ sở để nhận được sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trong thực hiện mục tiêu giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng Công an "của dân, vì dân và do dân" như lời dạy của Bác.

Với tiêu chí nêu trên, trang tin điện tử Công an tỉnh tập trung phản ánh các nội dung sau:

Để phục vụ các ngành, các cấp, các lực lượng, các đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân kịp thời nắm vững, tổ chức thực hiện và chấp hành nghiêm chủ trương chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về an ninh trật tự, trang tin điện tử Công an tỉnh tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; kịp thời cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật (các bộ luật, pháp lệnh, Nghị định, thông tư) có liên quan đến An ninh trật tự và hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính.

Trang tin điện tử Công an tỉnh đồng thời cập nhật những vụ việc an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn tỉnh, tin về an toàn giao thông; những tin nổi bật trong nước có liên quan đến an ninh trật tự đã đưa trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung phản ánh những vụ việc cần công khai để tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân. Trang tin cũng phản ánh những thông tin, hoạt động của Công an phường, xã, các ban bảo vệ dân phố, dân phòng, các tổ chức quần chúng ở cơ sở trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; gương người tốt việc tốt trong quần chúng nhân dân có liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trang tin điện tử tập trung đưa tin hoạt động chung của Công an tỉnh bao gồm công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; công tác phối hợp với các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện các Nghị quyết liên tịch, quy chế phối hợp; kết quả công tác bảo vệ an ninh trật tự, công tác phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm; các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao; các phong trào thi đua, đền ơn đáp nghĩa; các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống; gương điển hình tiên tiến trong phong trào "Vì an ninh tổ quốc"… của các lực lượng Công an tỉnh.

Nhằm phục vụ cải cách hành chính trên lĩnh vực an ninh trật tự, thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công, từng bước ứng dụng hiệu quả trong các mặt công tác…trang tin điện tử Công an tỉnh kịp thời cập nhật, công khai hoá các trình tự, thủ tục, thời gian, lệ phí và kết quả giải quyết của lực lượng Công an tỉnh trong lĩnh vực công tác Quản lý hành chính về Trật tự xã hội bao gồm: Đăng ký hộ khẩu, quản lý cư trú; cấp Chứng minh nhân dân; cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cấp giấy phép khắc dấu và quản lý con dấu; cấp chứng nhận đủ điều kiện về Phòng cháy chữa cháy, cấp giấy vận chuyển vật liệu nổ; đăng ký cấp biển số phương tiện giao thông; cấp hộ chiếu phổ thông; xác nhận lý lịch tư pháp và đưa một số thông tin về hoạt động của lực lượng Công an phục vụ cải cách hành chính...

Để tạo diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, trang tin điện tử Công an tỉnh sẽ kịp thời trả lời những thắc mắc, khiếu nại tố giác của nhân dân; tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh qua Trang tin điện tử Công an tỉnh; đặc biệt qua đường dây nóng kịp thời thông báo các lệnh truy nã; thông báo truy tìm tang vật, tung tích nạn nhân và tiếp nhận thông tin của quần chúng tố giác tội phạm hình sự, ma tuý, tệ nạn mại dâm, cờ bạc, tham nhũng…

Lần đầu tiên ra mắt bạn đọc không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, Công an tỉnh rất mong nhận được sự hợp tác tích cực, những ý kiến phê bình, góp ý chân tình, thẳng thắn từ phía bạn đọc để trang Thông tin điện tử của Công an tỉnh ngày càng hoàn thiện, nội dung thêm phong phú, sinh động, có sức thu hút, có tác động tích cực, hiệu quả trong việc tập trung được nhiều nguồn lực của xã hội vào mục tiêu giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trước khi đi vào nội dung các chuyên trang, Công an tỉnh có phần giới thiệu về Đất và Người Bà Rịa-Vũng Tàu -truyền thống lịch sử và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CAND Bà Rịa-Vũng Tàu từ khi thành lập đến nay nhằm cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cần thiết để nắm bắt sâu hơn về tính chất, hoạt động của lực lượng Công an tỉnh gắn với sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

A. ĐẤT VÀ NGƯỜI BÀ RỊA-VŨNG TÀU- TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ:

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập ngày 12.8.1991 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII với 5 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thành phố Vũng Tàu, huyện Long Đất, huyện Châu Thành, huyện Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Từ năm 1994, tỉnh có 7 đơn vị hành chính gồm: thành phố Vũng Tàu, Thị xã Bà Rịa và các huyện: Long Đất, Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo. Năm 2004, huyện Long Đất được chia tách thành huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.

Địa danh, địa giới của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu qua các thời kỳ có nhiều thay đổi: Năm 1779, tổng Phước An (tiền thân của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay) thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên; năm 1808 trở thành huyện Phước An, thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hoà; năm 1832 thuộc tỉnh Phiên An và đến năm 1837 lập thành phủ Phước Tuy. Mô tả quang cảnh Bà Rịa đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia định thành thông chí viết "Bà Rịa ấy là địa đầu giới trấn Biên Hoà là đất danh tiếng"…(1) "là huyện xung yếu…lỵ sở đặt ở thôn Long Điền" (2).

Ngày 7.1.1861, quân Pháp đánh chiếm thành Bà Rịa (Toạ lạc ở làng Phước Lễ, thuộc Thị xã Bà Rịa ngày nay). Từ sau Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) Bà Rịa trở thành một khu vực chỉ huy (Cercle de Commandement) của người Pháp. Đầu năm 1865, Bà Rịa trở thành hạt Tham biện (inspection) Bà Rịa –Tên gọi Bà Rịa chính thức trở thành địa danh hành chính bắt đầu từ đây.

Năm 1876, Bà Rịa trở thành tiểu khu Bà Rịa, thuộc khu vực hành chính Sài Gòn. Năm 1899, tiểu khu Bà Rịa được chuyển đổi thành tỉnh (province) Bà Rịa –Tên gọi tỉnh Bà Rịa chính thức xuất hiện từ đây.

Riêng Vũng Tàu cho đến trước năm 1895 thuộc tiểu khu hành chính Bà Rịa; từ 1895 tách ra lập thành phố tự trị (commune autonome) lấy tên là Cap Saint Jaques. Trải qua nhiều lần tách nhập, đến năm 1956, Vũng Tàu được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa thành tỉnh Phước Tuy (Cách tổ chức này được chính quyền nguỵ duy trì đến ngày 30.4.1975).

Từ sau Cách mạng tháng 8.1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở tỉnh Bà Rịa và tỉnh Cấp (tức Vũng Tàu). Tháng 12.1945, Xứ uỷ Nam Bộ quyết định sáp nhập Vũng Tàu vào tỉnh Bà Rịa trực thuộc khu 7 (tức miền Đông Nam Bộ). Tỉnh Bà Rịa lúc đó gồm 4 quận: Long Điền, Đất Đỏ, Cơ Trạch, Vũng Tàu (Từ 1948 các quận của tỉnh Bà Rịa được thống nhất chuyển sang gọi là huyện). Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), do yêu cầu chỉ đạo chiến trường, tỉnh Bà Rịa sáp nhập với tỉnh Chợ Lớn (gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè) và huyện Long Thành (Biên Hoà) thành tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn (gọi tắt là tỉnh Bà-Chợ).

Từ tháng 7/1954 đến 30.4.1975, Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhiều lần tách nhập cùng với tỉnh Biên Hoà và Long Khánh với nhiều tên gọi khác nhau: Tháng 10.1954: tỉnh Bà Rịa; tháng 3.1963: tỉnh Bà-Biên; Cuối năm 1963: tỉnh Bà Rịa; Từ 1966-1967: tỉnh Long-Bà-Biên; Từ 10.1967-4.1971: tỉnh Bà Rịa-Long Khánh; Từ 5.1971-7.1972: Phân khu Bà Rịa; Từ 8.1972-7.4.1975: Tỉnh Bà Rịa-Long Khánh. Trước khi giải phóng Vũng Tàu, thành phố Vũng Tàu được thành lập trực thuộc khu Đông Nam Bộ.

Về phía chính quyền địch, ngày 22.4.1956 đã lập tỉnh Phước Tuy gồm Bà Rịa, Vũng Tàu và quần đảo Trường Sa (Spratley) tỉnh lỵ đặt tại Phước Lễ. Tỉnh Phước Tuy gồm 6 quận: Châu Thành, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Vũng Tàu, Cần Giờ. Riêng quần đảo Côn Sơn được lập thành tỉnh Côn Sơn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20.9.1975 về việc bỏ khu hợp nhất tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ/TW về việc điều chỉnh và hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, tháng 2.1976, các tỉnh Biên Hoà, Bà Rịa, Long Khánh và thành phố Vũng Tàu (Thành phố Vũng Tàu trở thành Thị xã Vũng Tàu).

Ngày 30.5.1979, kỳ họp thứ 5, khoá VI của Quốc hội nước CHXHCNVN đã thông qua Nghị quyết thành lập đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (trực thuộc Trung ương) gồm Thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn (nguyên thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai) và huyện Côn Đảo (nguyên thuộc tỉnh Hậu Giang).

Từ ngày 12.8.1991 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập, duy trì cho đến ngày nay.

Về vị trí của tỉnh, trừ huyện Côn Đảo nằm cách Vũng Tàu 200 km về phía Tây Nam, phần đất liền của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 120 km đường bộ về phía Đông Nam; phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Nam giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích đất liền 2.047 km2, bờ biển dài 156 km, diện tích thềm lục địa trên 100.000 km2. Riêng Côn Đảo (còn gọi là quần đảo Côn Lôn) gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ, diện tích 76.711 km2. Bà Rịa-Vũng Tàu khí hậu mát mẻ, khô ráo; địa hình đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh có trên 50 ngọn núi cao trên 100m nhô ra biển tạo thành các vũng, vịnh, bán đảo và đảo tạo cảnh quan xinh đẹp. Có những ngọn núi đá hoa cương cao sừng sững như núi Mây Tàu cao hơn 700 m, núi Dinh cao 491m, núi Thị Vải cao gần 470m, núi An Hải (ở Côn Đảo) cao 577m…Đất đai ở Bà Rịa-Vũng Tàu đa dạng, thích hợp để phát triển thế mạnh về lâm nghiệp; toàn tỉnh hiện có khoảng 67.547 ha rừng (Trong đó rừng nguyên sinh Bình Châu-Phước Bửu 7.720 ha, Vườn Quốc gia Côn Đảo 6.034 ha, có khoảng 11.000 ha rừng ngập mặn…). Đặc biệt, tài nguyên biển của Bà Rịa-Vũng Tàu rất giàu tiềm năng với nguồn khoáng sản dầu khí, hải sản, du lịch, cảng biển…

Và tuy không có nhiều sông rạch nhưng tỉnh có sông Thị Vải đổ ra vịnh Gành Rái là con sông lớn, ít phù sa bồi lắng, có độ sâu, kín gió, cửa sông rộng, gần bờ biển quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu để đón các tàu thuyền có trọng tải lớn ra vào vận chuyển hàng hoá; có sông Dinh, sông Ray và hệ thống gần 200 con suối và nhiều hồ chứa nước, trong đó có những hồ chứa nước lớn như Kim Long, Đá Đen, Châu Pha, Đá Bàn, Sông Xoài, Lồ Ồ…hàng năm cung cấp khối lượng lớn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho toàn tỉnh. Từ 1990, trên địa bàn tỉnh, một chùm cảng lớn, nước sâu đã được xây dựng như cảng Phú Mỹ, cảng Baria Serèce, cảng Vedan, cụm cảng Thị Vải-Cái Mép, cảng Gò Dầu, cảng dầu khí…

Do vị trí địa lý và cấu tạo địa hình, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa bàn quan trọng về mặt kinh tế, an ninh quốc phòng và có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực. Trải qua các thời kỳ chiến tranh, đây là địa bàn tranh chấp ác liệt giữa ta và địch; nơi địch bố trí nhiều cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, huấn luyện, trọng điểm bình định đánh phá và nơi thực hiện thí điểm các chiến lược, chiến thuật của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Về phía cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi có nhiều căn cứ địa kháng chiến, địa bàn đứng chân của các lực lượng cách mạng, là đầu cầu tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu VI theo đường Hồ Chí Minh trên biển…Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; là địa bàn dầu khí, du lịch, hải sản nổi tiếng trong cả nước; địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng ở khu vực miền Đông Nam Bộ…

Dân số Bà Rịa-Vũng Tàu hiện trên 900.000 người, gồm 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 97%. Ngoài dân tộc Kinh, còn có các dân tộc Hoa, Châu Ro, Mường, Tày, Khmer…cùng cư trú trên địa bàn.

Ngược dòng lịch sử, từ thế kỷ XVII, tại vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa) đã có nhiều người Việt đến định cư, sinh sống. Trải qua giai đoạn khai phá và định cư dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII, XVIII), các thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa) đã thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong cuộc chiến đấu gay go, gian khổ nhằm khai phá và xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Dưới chế độ Nam kỳ thuộc địa do thực dân Pháp cai trị (1867-1945), nhân dân tổng Phước An (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã nêu cao truyền thống yêu nước, tham gia các cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo, tham gia phong trào làm "vườn không nhà trống" bất hợp tác với địch, phong trào "Hội kín" và các phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ…

Từ khi Đảng Cộng sản ra đời nắm giữ vai trò lãnh đạo, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu đồng thời cũng từng bước xây dựng cho mình truyền thống đấu tranh cách mạng trong quá trình tham gia các hoạt động và phong trào cách mạng, tham gia cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8.1945 thắng lợi đánh đổ thực dân Pháp, phát xít Nhật giành chính quyền về tay nhân dân. Truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã không ngừng được bồi dưỡng và tiếp tục phát huy qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; Với ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần đoàn kết, sự mưu trí dũng cảm, sáng tạo, quân dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã cùng quân dân cả nước lần lượt đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945 thắng lợi, một trang sử mới trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc của vùng đất Nam Bộ nói chung, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng đã được mở ra. Cùng với sự ra đời của hệ thống chính quyền cách mạng, tổ chức Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của lực lượng Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay) đã được thành lập. Từ khi thành lập (8.1945) đến nay, lực lượng CAND Bà Rịa-Vũng Tàu đã trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đó cũng là quá trình không ngừng lớn mạnh của lực lượng Công an tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn với lực lượng của các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân, gắn với nhiều thành tích và chiến công trải qua các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

B. CÔNG AN NHÂN DÂN BÀ RỊA-VŨNG TÀU-QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH:

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tổ chức Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay) được thành lập đã bắt tay thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng; ổn định an ninh trật tự; chuẫn bị lực lượng sẳn sàng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 9.1.1946, lực lượng QGTVC Bà Rịa do đồng chí Lê Thành Duy chỉ huy đã phục kích đánh lùi đại đội thân binh của Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân tại cầu Thủ Lựu, kịp thời ngăn chặn âm mưu đánh phá chính quyền cách mạng của chúng.

Ngày 9.2.1946, thực dân Pháp đổ quân tái chiếm tỉnh lỵ Bà Rịa và Vũng Tàu. Do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, lực lượng QGTVC và bộ đội phải rút vào hoạt động bí mật. Tháng 4.1946, thực hiện Nghị định 121/NĐ ngày 18.4.1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, QGTVC đổi tên thành Ty Công an tỉnh Bà Rịa; đồng chí Huỳnh Công Vinh là trưởng ty; đồng chí Lê Thành Vĩnh là phó trưởng ty. Thời gian này, đại đội Quốc vệ đội (gồm 2 trung đội) lực lượng vũ trang tập trung của Ty Công an Bà Rịa và tiểu đội Công an xung phong (CAXP) ở khu vực 2 đã được xây dựng. Để trang bị vũ khí, phương tiện, tạo nguồn hậu cần, tài chính phục vụ kháng chiến lâu dài, lãnh đạo Ty Công an đã tổ chức đội hậu cần đặc biệt do đồng chí Đỗ Thị Kiềm (tự Hoa) phụ trách, dưới danh nghĩa tư nhân dùng thuyền vận chuyển muối, than củi về nội thành bán lấy tiền mua vũ khí, đạn dược.

Tháng 5.1946, trong một trận càn quét có qui mô lớn vào khu căn cứ của Ty Công an Bà Rịa tại cù lao Núi Nứa (thuộc ấp Bà Trao, xã Long Sơn), giặc Pháp bắt được Lê Thành Duy, đội trưởng trinh sát của Ty Công an Bà Rịa. Sau khi đã sử dụng mọi biện pháp từ dụ dỗ mua chuộc đến tra tấn dã man nhưng vẫn không khuất phục được ý chí kiên cường bất khuất của Lê Thành Duy, địch kết án tử hình và xử bắn anh tại Thị xã Bà Rịa. Năm 1996, liệt sĩ Lê Thành Duy được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 5.1951, tỉnh Bà Rịa và một phần của tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định được sáp nhập thành tỉnh Bà-Chợ; đồng chí Võ Văn Khánh bí thư Tỉnh uỷ Bà-Chợ kiêm Trưởng ty Công an. Ty Công an Bà-Chợ đã tập trung bố trí sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp với tình hình mới.

Lực lượng công an tỉnh đã triển khai công tác bảo vệ và xây dựng các căn cứ kháng chiến của tỉnh, tăng cường hoạt động tăng gia sản xuất, lập các xưởng sửa chữa, cải tiến và chế tạo các loại súng, đạn; chủ động đánh lùi nhiều cuộc càn quét của địch vào vùng căn cứ kháng chiến, bảo vệ an toàn bộ máy lãnh đạo của tỉnh và của Ty Công an; bố trí bảo vệ an toàn đoàn cán bộ của Bộ tài chính mang vàng vào ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, đoàn cán bộ của Trung ương và Nam Bộ đến địa bàn; bố trí giải thoát đoàn cán bộ của tỉnh bị địch bắt ở Vũng Tàu; bảo vệ an toàn việc chuyển toàn bộ xưởng quân giới của phân liên khu miền Đông từ Phú Mỹ về chiến khu D; tổ chức giúp đỡ nhân dân địa phương khắc phục hậu quả bão lụt.

Từ năm 1946-1954, hoạt động diệt tề trừ gian của lực lượng Công an nổi lên nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm như: Tăng Văn Khánh (Uỷ trưởng khu vực 1), Hoàng Đu (Trung đội trưởng CAXP), Trần Văn Ngà, Nguyễn Văn Giáp (CAXP Thị xã Bà Rịa), Võ Thị Sáu (CAXP huyện Đất Đỏ), Lê Văn Diệu, Phạm Văn Tám (CAXP Thị xã Vũng Tàu)…góp phần vô hiệu hoạt động của nhiều ban hội tề, làm bọn ác ôn hoảng sợ co cụm vào các đồn bót, nhiều tên bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng.

Ở huyện Đất Đỏ, Võ Thị Sáu, chiến sĩ trinh sát của đội CAXP quận Đất Đỏ đã dũng cảm phối hợp cùng đồng đội tấn công vào lễ mít tinh kỷ niệm Quốc khánh nước Pháp (14.7.1948); đột nhập diệt tên cai tổng Tòng ác ôn ngay tại trụ sở tề nơi hắn làm việc; ném lựu đạn diệt tên Cả Suốt, Cả Đay tại phiên chợ giáp Tết Canh Dần (2.1950). Võ Thị Sáu bị giặc bắt trong khi đang chiến đấu; bị giam giữ, tra tấn, bị kết án tử hình và sau đó bị đưa đi Côn Đảo giam cầm và xử bắn ngày 23.1.1952. Năm 1993, liệt sĩ Võ Thị Sáu đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thực hiện mục tiêu tấn công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, từ năm 1946-1954, lực lượng Công an tỉnh, các quận, huyện và Thị xã đã đẩy mạnh công tác địch nguỵ vận, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội tấn công tiêu diệt các đồn bót và các đơn vị địch.

Tại địa bàn huyện Long Điền, đơn vị CAXP khu vực 2 do đồng chí Cố Văn Nhiễu phụ trách đã sử dụng cơ sở nội ứng tấn công đồn Lò Vôi xã Phước Tỉnh, bắt toàn bộ lính trong đồn và tên Phước-George trưởng đồn ác ôn gây được thanh thế rất lớn; đội CAXP xã Phước Tỉnh tổ chức phục kích diệt tên Baze trưởng đồn ác ôn ở xã Long Hải. Riêng đơn vị Quốc vệ đội Bà Rịa đã phối hợp cùng đội du kích xã Phước Hải phục kích chặn đánh lính đồn Phước Hải đi càn tại nhà việc Phước Hải; phối hợp với chi đội 16 bộ đội tỉnh phục kích đánh địch tại dốc Đá Giăng, xã Phước Hải; phối hợp cùng Chi đội 16 bộ đội tỉnh phục kích tiêu diệt tiểu đội lính của đồn Con Ó, xã Phước Hải, diệt được tên "Tây Khùng" chỉ huy đồn khét tiếng gian ác.

Ở Vũng Tàu, lực lượng Công an tỉnh (Quốc vệ đội và lực lượng CAXP) đã phối hợp lực lượng CAXP Vũng Tàu phục kích tiêu diệt tiểu đội lính địch ở đồn Bến Đá, Long Sơn, giải phóng cù lao Núi Nứa mở rộng địa bàn hoạt động (Trong trận này, đồng chi Lê Văn Nhan, Chỉ huy phó Quốc vệ đội tỉnh Bà Rịa đã anh dũng hy sinh); phối hợp cùng đơn vị biệt động đội Vũng Tàu (T9) tấn công đồn Thạch An. Riêng lực lượng CAXP Vũng Tàu đã sử dụng cơ sở nội tuyến tấn công hạ đồn Thắng Tam; phối hợp cùng đơn vị bộ đội địa phương tấn công tiêu diệt đồn lính bảo vệ tại ngã tư Giếng Nước; phối hợp cùng Ban hành động Cấp đánh cướp tàu hoa tiêu Marinoel và Monic của Pháp ở Cầu Đá, Bãi Trước; phối hợp biệt động đội Vũng Tàu tổ chức phá huỹ cây đèn Hải Đăng ở Núi Nhỏ; phối hợp biệt động đội tỉnh và Thị đội Vũng Tàu tấn công tiêu diệt bốt lính kín tức Văn phòng của Chánh mật thám liên bang; phối hợp cùng Thị đội Vũng Tàu và du kích xã Thắng Tam tấn công Trung tâm an dưỡng võ biền Pháp tiêu diệt được nhiều tên địch; phối hợp cùng bộ đội tỉnh (D300) tổ chức tiêu diệt đại đội biệt kích Commandos số 319 và tên quan ba chỉ huy Suacote ác ôn…

Tại Thị xã Bà Rịa, đơn vị CAXP Thị xã đã phối hợp cùng đơn vị biệt động đội Thị xã tấn công khu Nhà Tròn phá hõng lễ mừng Quốc Khánh (14.7.1952) của giặc Pháp.

Ngày 7.5.1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết (7.1954). Hoàn thành nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an Bà-Chợ tham gia phục vụ công tác chuyển quân tập kết của tỉnh và khu Đông Nam Bộ; bố trí lực lượng lên đường tập kết ra Bắc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổ chức Đảng và các lực lượng cách mạng rút vào hoạt động bí mật; lực lượng công an được phân công ở lại địa phương hoạt động đã bố trí sắp xếp lại lực lượng và địa bàn, chuyển hướng hoạt động đấu tranh trong tình hình mới. Từ năm 1954-1960, lực lượng công an đã tham gia bảo vệ tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng và phong trào quần chúng; tham gia cuộc Đồng Khởi 1960 thắng lợi giành quyền làm chủ vùng nông thôn và đồn điền cao su rộng lớn, đẩy địch lùi về các thị trấn, thị tứ, co cụm trong các đồn bót.

Thực hiện Chỉ thị số 01 ngày 5.6.1960 của Xứ uỷ Nam Bộ và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, đầu năm 1962, ban an ninh tỉnh Bà Rịa được thành lập.

Tháng 2.1963 tỉnh Bà-Biên (Bà Rịa-Biên Hoà) thành lập. Ban an ninh tỉnh Bà-Biên do đồng chí Nguyễn Nhị Thành (Tám Hà) phó bí thư Tỉnh uỷ kiêm trưởng ban. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị 1.1961 và chỉ đạo của Tỉnh uỷ nhằm đưa đấu tranh vũ trang tiến lên kết hợp với đấu tranh chính trị, lực lượng an ninh đã chủ động phối hợp mở nhiều cuộc tấn công vào các đồn bót địch. Ở huyện Long Đất, ban an ninh huyện đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương tấn công một số đồn bót, đánh lùi tổng đoàn dân vệ địch, bảo vệ an toàn cuộc mít tinh ra mắt Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng huyện có khoảng 2.000 người tham gia. Riêng đồng chí Hai Ngọc, trưởng ban an ninh xã Phước Thọ đã dẫn đường cho lực lượng vũ trang huyện mai phục diệt 1 tiểu đội địch tại ấp Phước Thới, cách chi khu Đất Đỏ 200 mét.

Thực hiện Chỉ thị số 69/CT ngày 30.9.1963 của Thường vụ Trung ương cục về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống do thám, gián điệp, lực lượng an ninh đã tập trung phát động phong trào bảo mật phòng gian ở khắp 3 vùng mà trọng tâm là các hành lang chiến lược, các cửa khẩu và ven lộ giao thông quan trọng. Ban an ninh tỉnh Bà-Biên đã điều tra làm rõ vụ án gián điệp chỉ điểm đánh phá căn cứ Huyện uỷ Long Đất; vụ nội gián chỉ điểm đánh phá căn cứ của Thị uỷ Bà Rịa. Đêm 3.10.1964, lực lượng an ninh tỉnh và an ninh các huyện Long Đất, Xuyên Mộc đã tham gia bảo vệ an toàn chuyến tàu chở 20 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Đông cập bến Lộc An. Lực lượng an ninh tỉnh, ban an ninh huyện Châu Đức và các huyện còn làm tốt công tác phòng gian bảo mật, làm trong sạch địa bàn, bảo vệ cửa khẩu, hành lang vận chuyển, kho tàng bến bãi…góp phần phục vụ chiến dịch Bình Giã (cuối 1964-đầu 1965) thắng lợi.

Đến cuối năm 1964, ta phá hầu hết các ấp chiến lược, giải phóng 2/3 đất đai, giải phóng cơ bản các xã ven các trục lộ giao thông quan trọng, làm tan rã hoặc tê liệt hệ thống kìm kẹp của các xã, ấp, buộc địch co cụm vào các thị xã, thị trấn..

Năm 1966, tỉnh Long-Bà-Biên thành lập. Ban an ninh tỉnh do đồng chí Trần Văn Nhượng (Tư Quy) là trưởng ban. Chuẫn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), tháng 10.1967, tỉnh Long-Bà-Biên giải thể, tỉnh Bà Rịa-Long Khánh được thành lập; ban an ninh tỉnh Bà Rịa-Long Khánh thành lập, đồng chí Trần Văn Nhượng là trưởng ban.

Thực hiện chủ trương, kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy của Tỉnh uỷ và kế hoạch của hội nghị an ninh 7 huyện trong tỉnh, lực lượng an ninh khu vực 1 (thuộc địa bàn Bà Rịa) do đồng chí Trần Văn Nhượng trực tiếp phụ trách đã tích cực làm nhiệm vụ dẫn đường, phối hợp cùng các cánh quân tiến công vào Thị xã Bà Rịa. Đồng chí Trần Văn Nhượng trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào bót Long Hương và trụ sở tề ở Long Hương và đã anh dũng hy sinh. Riêng đội Trinh sát vũ trang An ninh tỉnh đã đột nhập tấn công trụ sở Hội hữu nghị Việt Mỹ tỉnh Phước Tuy (là trụ sở trá hình của CIA) đóng tại xã Hội Mỹ. Ở huyện Châu Đức và huyện Long Đất, lực lượng an ninh đã phối hợp cùng lực lượng quân sự bao vây tấn công chi khu Long Lễ, chi khu quân sự ở Long Điền, Đất Đỏ; diệt được nhiều tên ác ôn, do thám, chỉ điểm, hỗ trợ lực lượng du kích và nhân dân các xã nổi dậy phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ xã ấp.

Tháng 5.1971, Phân khu Bà Rịa được thành lập. Tháng 5.1972, ban an ninh Phân khu Bà Rịa đã điều tra làm rõ vụ Trần Văn Lựu, cơ sở của An ninh huyện Long Đất là nhân viên trung cấp CIA xâm nhập nội bộ, hoạt động tình báo; qua vụ việc đã góp phần làm rõ thêm về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tổ chức CIA đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho lực lượng an ninh trong công tác tuyển lựa, xây dựng lực lượng hoạt động bí mật.

Tháng 8.1972, phân khu Bà Rịa giải thể, tỉnh Bà Rịa-Long Khánh được tái lập. Ban an ninh tỉnh Bà Rịa-Long Khánh tái lập, đồng chí Bùi Đình Kiểm được chỉ định giữ chức quyền Trưởng ban. Cuối năm 1972, thực hiện chủ trương của Trung ương cục mở cao điểm "chồm lên chiếm lĩnh trận địa", tiến công địch trên các chiến trường, lực lượng an ninh đã phối hợp cùng lực lượng quân sự đánh mạnh vào bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, đồng loạt tiến công đồn bót, các mục tiêu quan trọng của địch ở thị xã, thị trấn, tiêu hao được nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều xã, ấp. Khi địch vi phạm hiệp định Paris tiến hành càn quét, đánh phá, lấn đất, giành dân, lực lượng an ninh đã tập trung tại các xã trọng điểm và vùng xung yếu, cùng lực lượng 3 thứ quân bám trụ từng bước phản công tái chiếm lại địa bàn bị địch lấn chiếm, tiếp tục diệt ác, phá kìm, tổ chức hàng chục cuộc tấn công tiêu diệt địch giành lại thế chủ động.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 1.1975) nhằm chuẫn bị mọi mặt tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam, đầu năm 1975, lực lượng an ninh Bà Rịa-Long Khánh đã tham gia kế hoạch tấn công mùa khô; tham gia phục vụ bộ đội chủ lực tấn công giải phóng Xuân Lộc, cửa ngõ quan trọng của địch ở hướng Đông Bắc Sài Gòn.

Chuẩn bị giải phòng Vũng Tàu, Khu uỷ miền Đông chỉ đạo thành lập thành phố Vũng Tàu tách ra từ tỉnh Bà Rịa-Long Khánh. Ban an ninh thành phố Vũng Tàu thành lập. Thực hiện kế hoạch giải phóng Vũng Tàu, với phương châm "an ninh đi trước một bước", 5 đồng chí của lực lượng an ninh đã được phái vào bám trụ ở các phường phối hợp cùng cán bộ các ngành, các cấp bố trí lực lượng bám cơ sở trọng yếu, chủ động ngăn chặn địch phá hoại và chuẫn bị giải phóng địa bàn.

Ngày 26.4.1975, quân và dân Bà Rịa phối hợp Sư đoàn Sao Vàng thuộc quân khu V bước vào giai đoạn I của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: giải phóng thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh lỵ Phước Tuy. Lực lượng an ninh Thị xã Bà Rịa gồm 8 đồng chí cùng đội biệt động Thị xã và du kích xã làm nhiệm vụ nắm tình hình, dẫn đường đưa các cánh quân của các đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương tiến công giải phóng địa bàn, hỗ trợ cho lực lượng chính trị phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa. 15 giờ chiều ngày 27.4.1975, các cánh quân của lực lượng vũ trang giải phóng đã tấn công chiếm lĩnh hoàn toàn các mục tiêu, làm chủ địa bàn Thị xã. Tại các khu ấp, các uỷ ban khởi nghĩa, các ban khởi nghĩa đã lãnh đạo lực lượng quần chúng đồng loạt xuống đường giành chính quyền. Cùng ngày, các huyện Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc đã hoàn toàn giải phóng.

Từ 28.4.1975, các lực lượng vũ trang giải phóng bước vào giai đoạn II của chiến dịch Hồ Chí Minh: giải phóng Vũng Tàu. Từ trưa ngày 29.4.1975, lực lượng an ninh đã có mặt cùng các cánh quân của lực lượng vũ trang giải phóng tại những địa điểm trọng yếu trên địa bàn. Bộ đội tiến đến đâu, lực lượng an ninh phối hợp vận động quần chúng nổi lên giành chính quyền tới đó. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự nội ô, Uỷ ban khởi nghĩa các phường cùng cơ sở nội tuyến đã hướng dẫn, phát động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Từ 12 giờ trưa ngày 19.4.1975 đến 9 giờ sáng ngày 30.4.1975, các lực lượng của ta đã tấn công chiếm lĩnh Toà Thị chính và hầu hết các công sở, các cơ quan trọng yếu trên địa bàn, làm chủ hoàn toàn các phường. 13 giờ 30 phút trận chiến đấu ác liệt với hơn 100 sỉ quan binh lính nguỵ "tử thủ" tại khách sạn Palace kết thúc; thành phố Vũng Tàu đã hoàn toàn giải phóng.

Ở Côn Đảo, trong đêm 30.4 rạng ngày 1.5.1975, bộ phận an ninh cùng lực lượng tù chính trị Côn Đảo đã kịp thời nắm bắt thời cơ địch tháo chạy nổi dậy phá ngục giải phóng hoàn toàn đảo.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, sau giải phóng, thời kỳ quân quản (từ tháng 5.1975 đến cuối năm),Ty an ninh nội chính thành phố Vũng Tàu trực thuộc An ninh khu Đông Nam Bộ (đồng chí Nguyễn Duy Phác là trưởng ty) và ban an ninh các huyện Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc…trực thuộc Ty an ninh tỉnh Bà Rịa-Long Khánh. Riêng Ty an ninh tỉnh Côn Đảo trực thuộc An ninh khu Tây Nam Bộ.

Từ tháng 1.1976 đến 12.1979, Công an Thị xã Vũng Tàu, Công an các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc thuộc Ty Công an Đồng Nai. Riêng Công an huyện Côn Đảo trực thuộc Ty Công an tỉnh Hậu Giang.

Tình hình an ninh trật tự trong giai đoạn 5.1975-12.1979 tại Vũng Tàu và các huyện rất phức tạp. Sau khi hoàn thành công tác tiếp quản, lực lượng an ninh các cấp đã khẩn trương củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường phát triển lực lượng, triển khai các mặt công tác cấp bách ổn định an ninh trật tự tại vùng mới giải phóng. Lực lượng an ninh đã phối hợp các ngành các cấp tổ chức cho hàng chục ngàn nguỵ quân, nguỵ quyền, thành viên các đảng phái chính trị của địch đăng ký khai báo trình diện, học tập cải tạo; bố trí bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu, bảo vệ an toàn hàng trăm đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và một số đoàn nước ngoài đến địa bàn công tác, nghĩ dưỡng, tham quan du lịch, các cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, các cuộc mít tinh mừng các ngày lễ lớn và phục vụ triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng như cải tạo tư sản; thu đổi tiền cũ, phát hành tiền mới; cải tạo nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; cùng các lực lượng phát hiện bắt, xử lý hàng chục vụ xâm nhập trái phép, hàng trăm vụ vượt biên trốn đi nước ngoài với hàng chục nghìn người, thu được nhiều tàu thuyền, tài sản nộp vào ngân sách Nhà nước; phối hợp tổ chức truy quét, phát hiện phá rã các nhóm tàn quân, các cụm toán vũ trang, các nhen nhóm chính trị phản động, thu gom số đối tượng chính trị, hình sự, số đối tượng mại dâm, ma tuý… đang lẩn trốn, lén lút hoạt động trên địa bàn.

Từ 1975-1979, công tác tấn công truy quét tàn quân, phá các nhen nhóm chính trị phản động trên địa bàn nổi lên: vụ Yoshiota tình báo Nhật ẩn nấp hoạt động tại chùa Vĩnh Nghiêm; vụ âm mưu ám sát cán bộ tại phường Thắng Nhất; vụ các nhen nhóm phản động " đảng Thanh Long phục quốc", "đảng Nhân dân phục quốc", "Mặt trận Nhân dân phục quốc", "đảng Dân quân phục quốc" (Vũng Tàu); vụ truy quét các toán phản động có vũ trang "Dân quân phục quốc", "Biệt kích phục quốc Việt Nam " (huyện Xuyên Mộc); các vụ truy quét các toán phản động có vũ trang do Võ Văn Quẩn, Ba Khòm, Nguyễn Văn Be và tên Hiệp cầm đầu (huyện Long Đất); các vụ truy quét phá các nhen nhóm phản động, các cụm toán vũ trang "Mặt trận dân tộc tự quyết", "Mặt trận quốc gia giải phóng", "Trung đoàn đặc nhiệm Suối Nghệ", "Mặt trận hoà giải dân tộc", "Uỷ ban vận dụng phục hồi", E348 và Mật khu Hoàng Quỳnh, "Mật khu Lam Sơn" (huyện Châu Thành).

Từ 1975-1979, các mặt công tác quản lý hành chính về Trật tự xã hội, quản lý trật tự an toàn giao thông, quản lý vật liệu nổ, phòng cháy chữa cháy, …và công tác vận động quần chúng đã được triển khai rộng khắp, phục vụ hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, phục vụ triển khai thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội ở địa phương. Năm 1976, lực lượng công an Thị xã Vũng Tàu đã tham gia phục vụ Bộ triển khai đợt đăng ký quản lý hộ khẩu thí điểm tổ chức tại Vũng Tàu; phục vụ lực lượng của Bộ (bố trí tại Thị xã Vũng Tàu) triển khai các mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự phục vụ công cuộc thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam.

Công tác đấu tranh chống phạm pháp hình sự từ 1975-1978 nổi lên với vụ bắt toán cướp tại khu kinh tế mới Châu Pha, vụ tên Hùng giết người trộm tài sản tại xã Phước Lễ (huyện Châu Thành); vụ tên Nguyễn Văn Lai, vụ tên Huỳnh Văn Minh giết người (huyện Xuyên Mộc); vụ Đảng Hùm Xám chuyên đột nhập vào các cơ quan lấy cắp tài sản, vụ "Đảng Hải Tặc" (Còn có tên gọi khác là tổ chức "Cánh buồm đen") chuyên đột nhập trộm cắp dây cáp và hàng hoá trên các tàu nước ngoài, vụ băng cướp do tên Phạm Văn Thắng cầm đầu giết người cướp tài sản (Vũng Tàu).

Tại Côn Đảo, lực lượng Công an đã điều tra khám phá bắt 17 vụ phản cách mạng, điển hình là vụ "Kỳ lân phục quốc" do một số cai tù cũ cầm đầu; vụ "Hắc Long phục hận" do tên Trần Đình Lư cầm đầu âm mưu ám sát cán bộ, rải truyền đơn kêu gọi cướp chính quyền; bắt 5 vụ móc nối giả mạo giấy tờ chui vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Ở Côn Đảo còn nổi lên vụ phối hợp truy quét tên Thạch Chịa tù hình sự trốn trại; vụ bắt và tiêu diệt nhóm cướp giải thoát tàu Cửu Long.

Cuối năm 1979 đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo được thành lập gồm Thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn và huyện Côn Đảo. Tháng 1.1980, Sở Công an đặc khu thành lập; nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng gắn với phục vụ thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương mà trọng tâm là bảo vệ an toàn công cuộc thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam…

Từ 1980-1991, Công an đặc khu đã bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng nhiệm vụ; thành lập trường Sơ học Công an đặc khu để đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ; liên tục phát động phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND, triển khai thực hiện "Những điều cần làm ngay trong lực lượng CAND", từng bước xây dựng lực lượng Công an đặc khu thật sự trong sạch vững mạnh. Lực lượng Công an đặc khu còn làm nòng cốt trong các phong trào vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự; phối hợp cùng các lực lượng tổ chức nhiều đợt tấn công truy quét tội phạm, bắt được nhiều băng nhóm tội phạm; thu gom quản lý nhiều đối tượng chính trị, hình sự trên địa bàn.

Công an đặc khu đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng trăm đoàn khách cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc tại đặc khu; bố trí bảo vệ an toàn công cuộc thăm dò, khai thác dầu khí trên địa bàn; phát hiện xử lý các vụ việc vi phạm về qui định xuất nhập cảnh hoặc có biểu hiện móc nối, thu thập thông tin về hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí; điều tra làm rõ một số vụ án có liên quan đến lĩnh vực hoạt động dầu khí; kịp thời phát hiện loại trừ phần tử xấu, cơ hội và kẻ địch chui vào nội bộ hoạt động; phát hiện, đấu tranh với hàng trăm đối tượng có liên quan đến một số tổ chức tình báo nước ngoài hoạt động trên địa bàn; phát hiện đấu tranh phá hàng chục vụ nhen nhóm chính trị phản động (Điển hình là "Đảng Phục Hưng và "Trung đoàn Bạch Hỗ II"); phối hợp truy quét, thu gom hàng ngàn sách, tập san, băng đĩa hình, đĩa nhạc có nội dung xấu; phối hợp đấu tranh phá vụ "Hội nghiên cứu khoa học tuổi trẻ" xuyên tạc đường lối của Đảng và Chủ nghĩa Mác-Lê Nin; điều tra làm rõ vụ tung tin "Phật mở mắt" tại chùa Bửu Kim Cương, đường Hạ Long, phường Thắng Tam, vụ Đỗ Hy tuyên truyền phản cách mạng (Toà án nhân dân đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo đã đưa ra xét xử ngày 22.4.1983)…cùng hàng chục vụ án khác với các tội danh phá huỹ phương tiện quan trọng về ANQG.

Lực lượng Công an đặc khu còn tham gia phục vụ chuyên án F101 của Bộ Nội vụ, kết quả đã câu nhữ bắt toàn bộ số cầm đầu cốt cán của lực lượng vũ trang phản cách mạng Fulro, sử dụng những đối tượng này kêu gọi số tay chân còn lẫn trốn trong rừng trở về với nhân dân; tham gia phục vụ Bộ Nội vụ điều tra vụ án N44 -vụ Nguyễn Hữu Giộc lợi dụng và đồng bọn lợi dụng việc thực hiện phương án II tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài thu tiền, vàng; thực hiện kế hoạch của Bộ Nội vụ đưa vụ án gián điệp do Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh cầm đầu (chuyên án CM12) ra công khai tại địa bàn đặc khu; kết hợp Công an Đồng Nai phá vụ án nhen nhóm phản động "Mặt trận quốc gia dân tộc kháng chiến.

Công tác đấu tranh chống xâm nhập và vượt biên trốn đi nước ngoài của Công an đặc khu đạt kết quả phát hiện xử lý nhiều vụ xâm nhập bằng đường biển; bóc gỡ 67 băng ổ nhóm chuyên tổ chức móc nối đưa người trốn đi nước ngoài; phát hiện xử lý trên 200 vụ vượt biên trái phép với hàng ngàn đối tượng; phát hiện xử lý nhiều vụ lừa đảo tổ chức vượt biên lấy tiền vàng, trong đó có một số vụ gây chết người, điển hình là vụ tên Nguyễn Như Bình lừa đảo tổ chức vượt biên giết chết 4 nạn nhân độ tuổi từ 9-14 tuổi ở phường 10, Thị xã Vũng Tàu.

Trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, công tác bảo vệ tài sản XHCN và giữ gìn trật tự an toàn xã hội là công tác thường xuyên, liên tục. Công an đặc khu đã chủ động nắm tình hình, hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp xây dựng lực lượng bảo vệ chuyên trách, hạn chế tình trạng tham ô, trộm cắp. Công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự đã tổ chức 21 đợt truy bắt tội phạm, khám phá và kết luận 195 vụ trọng án, bắt 261 tên; triệt phá 18 băng trộm cướp, thu giữ 92 súng các loại, kết luận 1.178 vụ thường án , bắt 2.569 đối tượng, thu giữ nhiều tài sản. Tháng 8.1990, Công an đặc khu đã điều tra làm rõ vụ trộm cặp ngà voi ở di tích Bạch Dinh, Vũng Tàu, vụ việc được nhiều người quan tâm vì gắn với di tích Bạch Dinh.

Ngày 28.7.1980, trong khi tham gia truy đuỗi diệt tên Nguyễn Văn Hải (Minh Chuột), một thanh niên có lai lịch bất hảo nghi tham gia băng cướp có mang theo súng và rất hung hăng, đồng chí Ngô Văn Duy, cảnh sát hình sự của Công an phường Châu Thành đã anh dũng hy sinh.

Qua các biện pháp quản lý hành chính công khai đã phát hiện 4 trường hợp làm con dấu giả, buôn bán vũ khí trái phép, thu 160 súng các loại, 40 trái lựu đạn; bắt giáo dục cải tạo hàng ngàn gái mại dâm, chủ chứa. Công tác quản lý trật tự an toàn giao thông đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền luật giao thông công cộng; giải toả cơ bản lòng lề đường; qua công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đã góp phần ngăn chặn nhiều vụ đối tượng đến Vũng Tàu để vượt biên trốn ra nước ngoài.

Công tác phòng cháy chữa cháy có nhiều thành tích xuất sắc do làm tốt công tác phòng ngừa và huấn luyện dân phòng (lực lượng PCCC cơ sở) nên số vụ cháy xảy ra ít, thiệt hại về người và tài sản không nghiêm trọng. Khi có vụ cháy xảy ra, lực lượng chiến đấu kiên cường, dũng cảm chữa cháy. Điển hình là vụ chữa cháy kho đạn (khối lượng 400 tấn) của Bộ Nội vụ và Bộ Tư lệnh Công an vũ trang tại Rạch Dừa phát nổ phát sinh đám cháy lớn ngày 7.3.1980. Không quản ngại nguy hiễm đến tính mạng, tận dụng mọi phương tiện và nhân sự huy động, sau 10 tiếng đồng hồ chữa cháy, lực lượng chữa cháy của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an đặc khu đã dập tắt hoàn toàn đám cháy nổ, cứu hàng trăm tấn đạn, bảo vệ an toàn nhiều tài sản. Với thành tích nêu trên, đơn vị đã được tặng thưởng huân chương chiến công, 5 cán bộ chiến sĩ của đơn vị được Bộ tặng Bằng khen.

Năm 1991, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập. Tháng 10.1991, Công an tỉnh thành lập. Bà Rịa-Vũng Tàu là địa bàn trọng điểm về kinh tế, an ninh-quốc phòng nên được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của Trung ương, Bộ Nội vụ (Nay là Bộ Công an), Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Từ khi thành lập đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng lực lượng-hậu cần Công an tỉnh được tăng cường phục kịp thời yêu cầu công tác chiến đấu của các lực lượng Công an tỉnh. Để xây dựng lực lượng Công an trong sạch vững mạnh, Công an tỉnh không ngừng đẩy mạnh việc thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND, "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ"…

Trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp cùng các lực lượng và các ngành có liên quan phát hiện nhiều vụ việc công ty nước ngoài có dấu hiệu hoạt động lừa đảo hoặc không có khả năng thực thi các hợp đồng kinh tế, báo cáo kịp thời cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho cho các cơ quan kinh tế của ta; triển khai các kế hoạch bảo vệ an toàn các Đại hội Đảng, các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các cán bộ chủ chốt của Đảng; phát hiện thu giữ hàng ngàn tài liệu có nội dung chiến tranh tâm lý, đồi truỵ, phản động, thu giữ nhiều đầu máy Video, băng hình, sách báo…có nội dung không lành mạnh, góp phần chấn chỉnh trật tự trên lĩnh vực hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá trên địa bàn tỉnh; tổ chức quán triệt Nghị định 69 của Chính phủ, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trong vùng giáo, giải quyết kịp thời các vụ mâu thuẫn có liên quan đến tôn giáo theo phương châm hoà giải; đối với số đối tượng quá khích, cực đoan xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra làm rõ nguyên nhân tranh chấp khiếu kiện, phát hiện những phần tử lợi dụng khiếu kiện để kích động nhân dân gây rối…đề xuất các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành có biện pháp giải quyết phù hợp góp phần giữ vững an ninh nông thôn, không để xảy ra điểm nóng phức tạp.

Trên lĩnh vực Trật tự an toàn xã hội, Công an tỉnh đã tham mưu các cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng, Nghị quyết 09 của Chính phủ; Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý; duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo chống tham nhũng, buôn lậu; triển khai qui chế dân chủ trong hoạt động của lực lượng Cảnh sát kinh tế…Để tập trung phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, Công an tỉnh đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, mở nhiều đợt vận động quần chúng tấn công trấn áp tội phạm; phối hợp với các ban ngành ký kết, thực hiện các Nghị quyết liên tịch xây dựng đời sống văn hoá, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, cải tạo người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư… Chỉ tính trong 4 năm (1992-1995) đã phát hiện, xử lý 460 vụ xâm phạm tài sản Nhà nước, thu hồi tài sản giá trị tương đương 55 tỷ, 663 triệu đồng. Từ năm 1996-2000 phát hiện 97 vụ tham nhũng, buôn lậu gây thiệt hại 58 tỷ đồng. Kết quả đã góp phần làm tốt công tác bảo vệ tài sản, bảo vệ kinh tế đất nước, thu hồi lại tài sản đã mất đồng thời góp phần làm trong sạch nội bộ.

Công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã; tăng cường các phương tiện hỗ trợ cần thiết; thành lập Cảnh sát 113. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự trung bình hàng năm từ 60-65%, trọng án đạt từ 85-90% đã góp phần kìm chế hoạt động của bọn tội phạm hình sự; triệt phá căn bản nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen; xử lý nhiều đối tượng mua bán, xử dụng ma tuý.

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác đảm bảo trật tự đô thị đã có nhiều nổ lực trong công tác giáo dục, tuyên truyền việc chấp hành luật lệ giao thông, giữ gìn trật tự đô thị; tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần giữ gìn trật tự đô thị, trật tự công cộng, từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp, kỷ cương. Công tác phòng cháy chữa cháy đã thường xuyên làm tốt công tác phòng ngừa, xây dựng, củng cố công tác phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp và nghĩa vụ, trang bị phương tiện hiện đại cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh nên tình hình cháy nổ ngày càng giảm về số vụ và thiệt hại. Công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội có nhiều chuyển biến tốt, nội dung, thủ tục ngày càng được cải tiến theo phương châm nhanh, gọn, giảm phiền hà, góp phần tích cực trong công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý đối tượng và phòng ngừa tội phạm. Công tác bắt, giam giữ, xử lý và giáo dục phạm nhân có nhiều tiến bộ, chưa xảy ra tình trạng bắt oan sai; tỷ lệ truy tố ngày càng cao; hạn chế tình hình trốn trại; thực hiện ngày càng tốt nội quy, quy chế giam giữ, các chế độ đối với phạm nhân.

63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được Đảng, Nhà nước và Ngành tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý:

- 01 Huân chương Hồ Chí Minh.

- 02 Huân chương Quân công hạng Ba cho Công an tỉnh và Công an huyện Côn Đảo.

- 03 Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Công an tỉnh, phòng Xây dựng lực lượng, Phòng CGTT trật tự.

- 06 Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Công an tỉnh, Phòng PC23, Phòng PA16, Phòng PA24, Phòng Cảnh sát hình sự, Phường 11 –Công an thành phố Vũng Tàu).

- 11 Huân chương Chiến công hạng Ba cho Văn phòng Công an tỉnh, Phòng Công tác chính trị, phòng PA15, PA24, Công an thành phố Vũng Tàu (2 lần), Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra, Phòng PC23.

- 02 Huân chương Độc lập hạng Ba, 02 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 07 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 04 Huân chương Chiến công hạng Ba cho 12 cá nhân và 33 Bằng khen của Chính phủ cho 04 tập thể và 29 cá nhân.

- 01 Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng 3 cho Văn phòng Công an tỉnh.

- 3 Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng 3 cho 3 cá nhân.

- 06 tập thể, 03 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

+ 05 đơn vị được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: Ban an ninh huyện Châu Đức, ban an ninh Thị xã Bà Rịa, ban an ninh huyện Long Đất, Ban an ninh huyện Xuyên Mộc, Công an xã Long Sơn.

+ 01 đơn vị được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới: Công an thành phố Vũng Tàu.

+ 03 cá nhân được truy tặng và phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp: liệt sĩ Võ Thị Sáu, liệt sĩ Lê Thành Duy, đ/c Đặng Công Hậu, nguyên Giám đốc Công an đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo).

CÔNG AN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

25 03
THÔNG BÁO Về việc tuyển sinh đào tạo...

Thực hiện chủ trương của Bộ Công về việc tuyển sinh đào...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13061359
Số người đang truy cập: 9
Hôm nay: 12398
Hôm qua: 15193
Tuần này: 62674
Tuần trước: 110240
Tháng này: 468479
Tháng trước: 726288

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác