Công an nhân dân Công an nhân dân

Tính cấp thiết của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ

Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ; cần ban hành một Luật riêng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là có tính cấp thiết. Để lý giải nhận định này, tại Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Công an tổ chức, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền đã phân tích với 3 điểm chính là cơ sở chính trị, pháp lý; cơ sở thực tiễn vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tính cấp thiết của vấn đề này - từ góc nhìn báo chí truyền thông.

 

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền tham luận tại Hội thảo.

1. Cơ sở chính trị, pháp lý của việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ

 

Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống; tính mạng con người được bảo hộ (Điều 19); Mọi người được bảo hộ về sức khoẻ (Điều 20).

 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông đường bộ; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. "Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội" (Trích nội dung Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/09/2012).

 

Trong thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận, đánh giá về việc xây dựng hai Dự án Luật. Ngày 17/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/09/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó đã thống nhất xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ngày 31/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP về nội dung cơ bản và phạm vi điều chỉnh của hai Dự án Luật để trình Quốc hội Khoá XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

 

Như vậy là có cơ sở chính trị và pháp lý cho việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

 

2. Cơ sở thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ

 

Thứ nhất: Sau 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, tiêu biểu như: quá tải phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố  lớn,  tai nạn, ùn tắc giao thông; tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến; hiện tượng người tham gia giao thông chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tình trạng tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông; các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, là điều kiện để các thế lực thù địch chống phá… Nói cách khác là, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp với thực tiễn đã vận động, thay đổi. Tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là yêu cầu khách quan, từ đó góp phần giải quyết các vấn đề lớn trong thực tiễn đã nêu trên.

 

Thứ hai: Không thể giữ nguyên Luật Giao thông đường bộ vì trong bối cảnh gia tăng nhanh và mạnh về số lượng người tham gia giao thông và phương tiện tham gia giao thông, tính không đồng bộ và phức tạp của 3 lĩnh vực: (1). An toàn giao thông; (2). Kết cấu hạ tầng giao thông và (3). Vận tải đường bộ hiện nay. Ba lĩnh vực nêu trên là rất lớn, mục tiêu và đối tượng điều chỉnh là khác nhau, do đó, nếu giữ nguyên không tách thì trong một luật không thể quy định toàn diện, cụ thể, rõ ràng tất cả các nội dung trong cùng một lĩnh vực, dẫn tới tất yếu là phải ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Một lý do nữa là: các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trên ba lĩnh vực nêu trên là rất lớn, vì vậy nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không những không đảm bảo được tính toàn diện, tính rõ ràng, cụ thể của nội dung mà còn khó đảm bảo được tính liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực cụ thể. Phân tích Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy: đa số các điều, khoản, chương, mục của Luật chỉ có thể áp dụng cho một lĩnh vực, không thể áp dụng cho cả ba lĩnh vực nêu trên. Do đó, cần phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể. Thực trạng và kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy: không có quốc gia nào ban hành Luật Giao thông đường bộ bao gồm cả 3 lĩnh vực đã nêu trên mà đều xây dựng luật riêng.

 

Thứ ba: Lợi ích của việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ sẽ phân khúc chuẩn xác hơn và dễ dàng hơn trong việc xác định cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính cho cả ba lĩnh vực trên.

 

Như đã phân tích trên, tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là phân khúc rõ 3 lĩnh vực (1). An toàn giao thông (tương ứng với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ); (2). Kết cấu hạ tầng giao thông và (3). Vận tải đường bộ (tương ứng với Luật Đường bộ).

 

Tách riêng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gắn với nguyên tắc tiếp cận quyền con người (bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền đi lại…) và Hiến pháp 2013 như đã nêu trên. Nếu tách riêng, phân tích, ứng dụng phương pháp tiếp cận quyền con người để xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì khắc phục được những bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về lĩnh vực an toàn giao thông như đã nêu trên.

 

Trong khi đó, tách riêng và ban hành Luật Đường bộ tiếp cận theo góc độ kinh tế - kỹ thuật, khác hoàn toàn hướng tiếp cận Quyền con người của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ thuận lợi hơn về cơ sở pháp lý đối với việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế vốn, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, đồng thời có chế tài đối với các trường hợp vi phạm. Tách riêng Luật Đường bộ sẽ là cơ hội để bổ sung các quy định chi tiết về đường cao tốc, giải quyết bất cập như vấn đề BOT trong những năm qua…; từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và thực thi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách nhất quán và đồng bộ.

 

Điều quan trọng nhất là việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như đã nêu trên sẽ thuận lợi cho việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước với cả ba lĩnh vực: an toàn giao thông - kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải đường bộ. Cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đưòng bộ - điều này là một bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nếu tách riêng hai luật, xác định được rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính ở cả ba lĩnh vực nêu trên, có cơ sở pháp lý cho quản trị hệ thống, đồng bộ về pháp luật nói chung, từ đó quá trình triển khai thực hiện nhất quán, nhất là giữa cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự, an toàn giao thông và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật giao thông đường bộ. Tách riêng thành hai luật cũng thuận lợi hơn trong việc phân cấp, phân quyền và trách nhiệm cũng như điều kiện cho tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương đối với cả ba lĩnh vực đã nêu trên.

 

Như vậy là vừa có Luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực an toàn giao thông, vừa có Luật chuyên ngành với các quy định đầy đủ và cụ thể về hai lĩnh vực còn lại là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, từ đó có cơ chế thu hút nhân lực đầu tư, cơ chế vốn, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng…

 

Thêm vào đó, có thể thấy rằng: tách thành hai Luật sẽ thuận lợi hơn và có cách tiếp cận khoa học hơn trong việc xác định mục đích, đối tượng điều chỉnh, nội dung, yêu cầu, tiêu chí đánh giá dự án và dự thảo Luật, đối chiếu so sánh để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Có nghĩa rằng: Nếu phân khúc nội dung trúng và sâu, đảm bảo tính hệ thống và cách tiếp cận khoa học sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phân định và xác định mục đích, đối tượng điều chỉnh, yêu cầu đối với dự thảo Luật mới, có cơ sở khoa học để xác định các tiêu chí đánh giá dự án Luật mới, từ đó đối chiếu so sánh để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

 

3. Tính cấp thiết của việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ - từ góc nhìn báo chí, truyền thông

 

Từ góc nhìn quản lý báo chí truyền thông, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nêu hai điểm chính thể hiện tính cấp thiết của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ sau đây:

 

Thứ nhất, từ ứng dụng phương pháp tiếp cận Quyền con người trong việc xây dựng Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

 

"Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền là phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở pháp lý và đạo đức về các quyền con người, trong đó tập trung vào thúc đẩy mối quan hệ giữa những chủ thể chịu trách nhiệm đáp ứng quyền với chủ thể mang quyền. Phương pháp tiếp cận quyền con người khẳng định nguyên tắc mọi cá nhân, tổ chức, quốc gia đều phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền. Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA đã sử dụng phương pháp tiếp cận quyền thay bằng phương pháp tiếp cận nhu cầu trước đó với lý do "làm việc để thực hiện các quyền của người dân, chứ không phải là nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Đó là một sự khác biệt quan trọng, bởi vì một nhu cầu chưa được thực hiện dẫn đến sự bất mãn, trong khi một quyền không được tôn trọng dẫn đến sự vi phạm".

 

Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ sẽ thuận lợi hơn trong việc xác định cơ sở hạ tầng và các điều kiện tối cần thiết khác trong việc đáp ứng quyền đi lại của công dân, trách nhiệm của công dân trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân định rõ giữa trách nhiệm đáp ứng quyền đi lại của người dân, của Nhà nước và các chủ thể đáp ứng quyền khác. Các đặc tính của quyền (là những đòi hỏi cơ bản và chính đáng mà mỗi người phải có để đảm bảo tồn tại và phát triển một cách tốt nhất; Quyền là giống nhau đối với tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi; Quyền được thực hiện với tất cả mọi người, không chối bỏ ai; Đã là quyền thì buộc phải được đáp ứng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; Có quy định người mang trách nhiệm đáp ứng quyền; Được đảm bảo về mặt pháp lý) cho thấy tính cấp thiết phải ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Tham chiếu và ứng dụng các nguyên tắc cơ bản nhất của Quyền con người (bao gồm: (1). Không phân biệt đối xử; (2). Đảm bảo quyền sống còn; (3). Vì lợi ích tốt nhất của con người; (4). Đảm bảo quyền tham gia, phát biểu ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan. Trong mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, mỗi nguyên tắc lại củng cố và hỗ trợ cho các nguyên tắc kia) cũng cho gợi ý về tính chuyên biệt của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 

Thứ hai, từ vấn đề xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ

 

Kết quả nghiên cứu đề tài thuộc Chương trình trọng điểm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Viện Báo chí/ Học viện Báo chí và Tuyên truyền "Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật" chỉ rõ chủ thể, đối tượng, nội dung, giai đoạn, quy trình, nguyên tắc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật; trong đó khẳng định Bộ Công an là một trong các Bộ chịu trách nhiệm chính trong mảng lĩnh vực này. Việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là công cụ pháp lý quan trọng cho sự tham gia hiệu quả của Bộ Công an trong phòng chống, tội phạm, phòng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực này.

 

Thứ ba, từ yêu cầu cấp thiết về điều kiện pháp lý cho việc số hoá và xây dựng dữ liệu lớn trong phân cấp, quản lý đối với các chủ thể chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực thuộc Giao thông đường bộ

 

Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số. Bản chất của chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc truyền thống sang lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc với các phiên bản số của các thực thể và sự kết nối của chúng trong không gian số. Chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hoá (digitization) - việc chuyển đổi vạn vật sang các định dạng số mà hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số (digitalization). Chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ, ngành, địa phương hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi (transformation), trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở các quốc gia, bộ, ngành, địa phương… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy. Tách riêng hai Luật, rà soát và thống nhất chủ thể, đối tượng điều chỉnh, nội dung của hai Luật, chẳng hạn xem xét điều chỉnh phân cấp đào tạo, cấp bằng lái xe… sẽ là điều kiện cho việc chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn, quản trị dữ liệu số nói chung và nguồn lực cho khu vực dữ liệu (kiểm soát dữ liệu đầu vào, xử lý dữ liệu, thao tác, tích hợp, mã hoá, phân tích dữ liệu, sau đó lưu trữ dữ liệu vào kho chung và kho dữ liệu theo danh mục để sử dụng).

(Theo Cổng TTĐT Bộ Công an)


Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 12912726
Số người đang truy cập: 24
Hôm nay: 9322
Hôm qua: 14440
Tuần này: 23762
Tuần trước: 137836
Tháng này: 319327
Tháng trước: 726288

Tố giác tội phạm

 

Email công vụ

Góp ý xây dựng phát triển Công an Tỉnh

 

Văn bản chỉ đạo điều hành

Kiến nghị, Phản ánh các vấn đề khác